Để kịp thời đón đầu lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của quốc gia, Hà Tĩnh đã xây dựng Đề án số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2018 với mục tiêu dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi sang hoàn toàn truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2018.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 Đài PT-TH tỉnh và 12 đài truyền thanh – truyền hình địa phương, 2 trạm phát lại truyền hình của Đài PT-TH tỉnh, 5 trạm phát lại truyền hình; 6 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 49.200 thuê bao.
Giám đốc Sở TT-TT Phan Tấn Linh báo cáo tại buổi làm việc
Đề án được triển khai bao gồm các bước: Tuyên truyền, tập huấn đề án; kiểm tra diện phủ sóng số hóa truyền hình mặt đất, xác định vùng lõm; thống kê hỗ trợ số lượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu tư truyền hình số; hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo; sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng Đài PT-TH tỉnh, đài truyền thanh – truyền hình địa phương; xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất.
Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Nguyễn Văn Hiền: Cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng mục tiêu. Riêng Đài tỉnh hiện đang thiếu xe truyền hình lưu động, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các chương trình cần.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị, địa phương đã phân tích rõ hơn từng nội dung của đề án, đề xuất một số giải pháp và kiến nghị. Đa số ý kiến đều cho rằng, hiện nay hoạt động của đài truyền thanh – truyền hình địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nội dung, chất lượng hạn chế; cần chú trọng tập trung tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nội dung đề án cho các đơn vị, sở, ngành, địa phương…
Phó giám đốc Trung tâm tần số vô tuyến điện Khu vực 6 (Cục tần số) Đỗ Đình Doanh: Địa phương cần cân nhắc, khảo sát cấp thiết bị cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và lắp đặt thiết bị ở khu vực lõm đế tránh tối đa lãng phí cơ sở vật chất hạ tầng.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định để hoàn thành mục tiêu đề án số hóa cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, đảm bảo tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí cụ thể hóa đề án bằng việc xây dựng kế hoạch triển khai theo quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 là chuyển đổi sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH khảo sát kỹ hơn về hộ nghèo và cận nghèo, đồng thời dự báo tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đến năm 2018; Sở TT&TT khảo sát lại các vùng lõm đảm bảo người dân tiếp cận thông tin tốt nhất và phải đưa ra được số liệu chính xác.
Các sở ngành, địa phương tích cực phối hợp trong quá trình thực hiện, đặc biệt là trong quá trình tuyên truyền. Đài PT-TH tỉnh phối hợp với Sở TT&TT xây dựng kế hoạch chặt chẽ, sắp xếp bộ máy phù hợp, nhất là nhân sự đài địa phương.
Sở TT&TT là cơ quan thường trực phải thường xuyên soát xét các nội dung, hoàn thiện kế hoạch, sớm trình để UBND tỉnh xem xét, ký và ban hành trong thời gian sớm nhất, với mục tiêu phấn đấu chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước năm 2018.