Trong hơn 4 năm qua, Sở KH&CN Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Huy đã tập trung vào việc xuất bản các ấn phẩm để quảng bá di sản, gồm: Nguyễn Huy Oánh, Hoàng Hoa sứ trình đồ, NXB Đại học Vinh, năm 2017; Hoàng Hoa sứ trình đồ Tiếng Anh, năm 2019; Nguyễn Huy Oánh, Hoàng Hoa sứ trình đồ, NXB Đại học Vinh, tái bản có bổ sung, năm 2020; Nguyễn Huy Oánh, Yên Thiều nhật trình, NXB Đại học Vinh, năm 2020; Nguyễn Huy Oánh, Hoàng Hoa sứ trình đồ, NXB Hoa Nghệ, Đài Loan (Trung Quốc), năm 2021.
Cuốn sách Hoàng Hoa sứ trình đồ được xuất bản phục vụ Hội nghị lần thứ 8 tại Hàn Quốc của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Phan Trung Hiếu
Nhân dịp các ngày lễ, sự kiện chính trị, ngành VH-TT&DL, huyện Can Lộc, xã Kim Song Trường và dòng họ đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm theo các chủ đề liên quan đến Hoàng Hoa sứ trình đồ - di sản tư liệu thế giới như: Triển lãm và giới thiệu ở Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm thế kỷ XVII-XX của dòng họ Nguyễn Huy, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh”, từ ngày 9 - 10/5/2019 tại TP Hà Tĩnh; triển lãm ở hội nghị tập huấn do UNESCO tổ chức ở TP Bắc Giang, ngày 12/9/2019; triển lãm và giới thiệu tại Hội thảo “Một số giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của di sản văn hóa làng Trường Lưu”, TP Hà Tĩnh, vào ngày 2/4/2021; triển lãm nhân 190 năm thành lập tỉnh do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I kết hợp Chi cục Lưu trữ Hà Tĩnh tổ chức. Hiện tại, du khách có thể tham quan Hoàng Hoa sứ trình đồ được phóng to ở trụ sở của Ban Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu (trụ sở UBND xã Trường Lộc cũ).
Một trong những trang sách chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, địa lý, văn hoá trong hành trình đi sứ thế kỷ XVIII của dân tộc.
Từ cuối tháng 7/2021, Chương trình Ký ức thế giới đã thông báo về việc đề cử danh hiệu, ngoài những việc di sản tư liệu đề cử đáp ứng các tiêu chí, một phần khá quan trọng là việc quảng bá di sản và các đánh giá của chuyên gia. Hoàng Hoa sứ trình đồ đã được làm hồ sơ đề cử và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí:
- Độc đáo và quý hiếm: Từng có hàng trăm chuyến đi sứ Trung Hoa, từ năm 972 là chuyến đầu tiên của Đinh Liễn (940-979), cho đến chuyến cuối cùng vào năm 1884, các vị sứ thần có nhiều trứ tác, nhiều sách có đồ bản về quá trình đi sứ. Nhưng cho đến hiện tại, chỉ có Hoàng Hoa sứ trình đồ là bản sao duy nhất còn tồn tại, được lưu giữ trong gia đình chính vị sứ thần xưa.
- Hình thức và phong cách: Trình bày đa dạng và phong phú, có ghi chú cụ thể về địa hình sông núi, khu dân cư, đồng ruộng, thành trì, nghi lễ ngoại giao… Bản thân sách là tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
- Tính vẹn toàn: Văn bản đóng bằng bìa giấy thường màu hồng đã ngả màu, bốn góc hơi sờn rách, phần đầu gáy và ngoài việc chân gáy sách bị rách ít bìa, còn thì vẫn đầy đủ các trang.
- Tính xác thực cao: Thời gian biên soạn (1765-1768); thời gian sao chép (tháng 2/1887); chất liệu giấy dó với tuổi thọ/niên đại cùng với quá trình lưu giữ rõ ràng của con cháu trong dòng họ.
- Tính quốc tế: Với việc quảng bá, xuất bản, Hoàng Hoa sứ trình đồ ngày càng được các chuyên gia đánh giá cao về ý nghĩa đối với lịch sử thế giới - nhất là lịch sử ngoại giao. So sánh với các văn bản viết trên đường đi sứ Trung Quốc của các nước hiện vẫn còn lưu lại, Hoàng Hoa sứ trình đồ là hiện tượng đặc biệt, không xuất hiện ở các nước khác. Điều này chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của sứ đoàn Việt Nam tới địa lý, phong cảnh, phong tục, văn hóa, truyền thống, sản vật địa phương, kiến trúc… của nước ngoài một cách khá toàn diện. Hành trình đi sứ Trung Hoa thể hiện sự nghiên cứu một cách có hệ thống, công phu, tỉ mỉ và chi tiết của các triều đại phong kiến Việt Nam tới tình hình chính trị, văn hóa, tri thức của Trung Quốc.
Nhiều trang trong Hoàng Hoa sứ trình đồ đã bị mục nát cần có biện pháp bảo vệ, lưu giữ.
Hoàng Hoa sứ trình đồ là một ví dụ xuất sắc về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa trong quãng thời gian suốt gần 1.000 năm, được lưu giữ trong dòng họ của chính vị sứ thần xưa. Đây là các tư liệu giúp nghiên cứu quan hệ ngoại giao thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử giữa thế kỷ XVIII, được cộng đồng chung tay phát huy giá trị.
Hoàng Hoa sứ trình đồ đã vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, nó đặc trưng cho lịch sử và văn hóa ngoại giao các nước Đông Bắc Á, sách là di sản tư liệu quan trọng đối với Chương trình Ký ức thế giới. Tại Hội nghị toàn thể MOWCAP lần thứ 8, sách này đã giành được số phiếu tuyệt đối 17/17.
Dòng họ Nguyễn Huy và Nhân dân xã Trường Lộc tổ chức rước bằng công nhận “Hoàng hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tháng 10/2018. Ảnh: Giang Nam
Việc phổ biến rộng rãi Hoàng Hoa sứ trình đồ và đề cử là di sản tư liệu thế giới sẽ là một công cụ giúp mạng lưới các chuyên gia trao đổi thông tin và nâng cao nguồn lực để bảo tồn và tiếp cận nguồn tài liệu, tư liệu thế giới về lịch sử và văn hóa ngoại giao. Các chuyên gia nổi tiếng về sách cổ như GS Trần Chính Hoằng (Trung Quốc), Cảnh Tuệ Linh (Đài Loan, Trung Quốc), Đinh Khắc Thuân (Việt Nam)... đánh giá cao giá trị của tư liệu lịch sử này.
Hoàng Hoa sứ trình đồ thực sự là di sản quan trọng với Chương trình Ký ức thế giới và là niềm tự hào của chúng ta. Việc phát huy giá trị di sản là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.