Sáng 2/10, tại huyện Kỳ Anh, Sở KH&CN phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trang trại chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh.
Đầu năm 2017, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế triển khai dự án nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong xử lý môi trường tại các khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn Hà Tĩnh. Sau gần 2 năm thực hiện, dự án đã tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả trong xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường nước, không khí, tiêu hủy dịch bệnh gia súc trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
TS. Trần Hòa Duân - Chủ nhiệm dự án báo cáo tiến độ thực hiện.
Theo đó, dự án phát triển hệ thống tự động xử lý nước thải sau biogas nhỏ gọn, hiệu suất xử lý cao dựa trên công nghệ vi sinh, hóa học và công nghệ tự động hóa.
Hệ thống tự động xử lý nước thải sau biogas nhỏ gọn, hiệu suất xử lý cao
Dự án cũng phát triển một số công nghệ xử lý khí thải dựa trên sự hoạt động của các nhóm vi khuẩn có lợi cho môi trường và hệ thống rửa khí để loại bỏ các khí độc hại, đảm bảo môi trường trong sạch; phát triển lò đốt xác động vật để khống chế dịch bệnh.
Trước đó, các đại biểu là đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và các chủ cơ sở chăn nuôi đến tham quan mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa xử lý chất thải chăn nuôi tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh.
Tại hội thảo, nhận định về vấn đề môi trường trong chăn nuôi, một số đại biểu cho rằng: Nước thải từ nhiều cơ sở chăn nuôi lợn tập trung tại Hà Tĩnh chưa được xử lý hiệu quả, nhiều thông số chưa đạt yêu cầu so với các quy định hiện hành; tải lượng ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi lợn khá lớn; một số cơ sở chăn nuôi tự ý mở rộng quy mô chuồng trại mà thiếu quan tâm đến xây dựng công trình xử lý chất thải hoặc các công trình đã xuống cấp nhưng không sửa chữa… ảnh hưởng đến môi trường.
Tỷ lệ thu gom, sử dụng khí biogas trong chăn nuôi còn thấp (40%) gây ô nhiễm và lãng phí; công nghệ xử lý hầm biogas hiện tại đang chiếm nhiều diện tích đất đai… Do đó, cần triển khai các giải pháp kỹ thuật hiện đại kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả hơn.
PGS. TS. Nguyễn Văn Hợp (Trường ĐH Khoa học Huế): Nước thải từ nhiều cơ sở chăn nuôi lợn tập trung tại Hà Tĩnh chưa được xử lý hiệu quả, nhiều thông số chưa đạt yêu cầu so với các quy định hiện hành.
Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của dự án. Đây là dự án áp dụng công nghệ tự động hóa và công nghệ vi sinh thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải chăn nuôi. Kết quả dự án có khả năng khắc phục những tồn tại của các công nghệ hiện đang được áp dụng trên địa bàn.