Anh Phan Văn Đức (người ở giữa) hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây rau giống
Sau khi rời quân ngũ, anh Phan Văn Đức (43 tuổi) đã đi học nghề điện và có công việc khá ổn ở TP Hồ Chí Minh. Vậy nhưng, vào năm 2011, theo lời thuyết phục của chị gái, anh mang cả gia đình nhỏ của mình về quê lập nghiệp.
Anh Đức chia sẻ: “Chị Lộc nói với tôi, quê mình giờ đã thay đổi nhiều. Nhà nước đang có chủ trương xây dựng nông thôn mới, cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân rất nhiều. Nếu ai cũng không bám ruộng đồng, bỏ đi làm ăn xa hết thì lấy ai xây dựng làng xã. Thế là tôi quyết định trở về”.
Anh Phan Văn Đức - Bí thư chi bộ thôn Hồng Lĩnh
Thời điểm đó, anh Đức đang làm việc cho một doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Trong công ty không có chi bộ đảng, nhưng anh vẫn kiên trì giữ vai trò người đảng viên của mình bằng việc đăng ký tham gia sinh hoạt đều đặn với chi bộ địa phương nơi anh tạm trú.
Về quê sau một thời gian, anh Đức dần ổn định cuộc sống và tham gia công tác đoàn xã. Năm 2015, anh được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Hồng Lĩnh trong sự đồng thuận của bà con và sự ủng hộ của Đảng bộ xã Vượng Lộc.
Người chị gái mà anh Đức nhắc đến chính là chị Phan Thị Hồng Lộc - người có 18 năm liền là Chi hội trưởng Chi hội LHPN thôn Hồng Lĩnh và luôn là “điểm tựa” của các chị em trong thôn.
Năm 2015, ngay sau khi xã có chủ trương xây dựng Hồng Lĩnh trở thành khu dân cư kiểu mẫu, chị Lộc, anh Đức đã cùng với bà con nhân dân ở đây “xắn tay” nhập cuộc với tinh thần hăng hái, sôi nổi.
Bà Lý (75 tuổi, bên trái) cùng bà Thanh (bên phải) là hàng xóm thường đến giúp chị Phan Thị Hồng Lộc (ở giữa) làm rau giống.
Bà Phan Thị Lý, 75 tuổi (một người dân thôn Hồng Lĩnh) cho hay: “Từ ngày có chủ trương xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu, không lúc nào thấy anh Đức, chị Lộc nghỉ ngơi việc làng, việc xã. Hết giúp nhà này làm vườn mẫu, lại giúp nhà kia kỹ thuật trồng cây giống...”.
Không chỉ anh chị em trong nhà giúp nhau phát triển kinh tế, chị Lộc, anh Đức còn cùng nhau “chỉ tận tay” cách làm ăn cho bà con, giúp đỡ những gia đình nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Điển hình như trường hợp của chị Võ Thị Hà (31 tuổi), ở cùng thôn. Vợ chồng chị Hà đến thôn Hồng Lĩnh lập nghiệp khoảng 5 năm trước, hoàn cảnh khó khăn, đất vườn ít lại không có kinh nghiệm trồng cây rau giống. Để giúp gia đình chị Hà ổn định cuộc sống, nuôi 2 con ăn học, chị Lộc và anh Đức ngoài việc trao truyền kinh nghiệm, bí quyết làm vườn của mình còn tạo thêm việc làm cho cả 2 vợ chồng. Suốt năm, ngoài thời gian làm việc ở vườn nhà, vợ chồng chị Hà là công nhân thường xuyên trên vườn rau của chị Lộc.
Chị Võ Thị Hà (bên trái) đã vượt khó vườn lên ổn định cuộc sống nhờ sự giúp đỡ của chị Lộc và anh Đức
Giúp đỡ bà con trong thôn làm ăn, tạo sự gắn kết cộng đồng, cùng nhau tiến bộ là cơ sở để chị Lộc, anh Đức được người trẻ kính phục, người già yêu quý. Hễ có gia đình nào gặp bế tắc, mâu thuẫn, có “lời” của anh chị phân tích là mọi người hiểu vấn đề, nhanh chóng hòa thuận. Chính vì thế, mỗi khi cần huy động lực lượng tập thể cho việc chung của thôn, chỉ cần “lên loa” là bà con tập hợp đầy đủ.
Nhờ sức mạnh của tình đoàn kết, thôn Hồng Lĩnh đã nhanh chóng đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Đầu năm 2017, chỉ hơn 1 năm sau khi phát động xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, thôn Hồng Lĩnh đã giành giải B trong cuộc thi khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh.
Nhờ sức mạnh đoàn kết, đời sống vật chất tinh thần của bà con thôn Hồng Lĩnh ngày càng đi lên.
Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con thôn Hồng Lĩnh đã thay đổi rõ rệt. Cả thôn không còn hộ nghèo, 55/76 hộ xây dựng vườn mẫu thành công, đem lại thu nhập khá. Từ đầu năm 2019 đến nay, thôn đã đón tiếp gần 200 đoàn đại biểu trong và ngoài tỉnh về tham quan, học tập mô hình.
Bằng lối sống nhân văn, chị Phan Thị Hồng Lộc, anh Phan Văn Đức đã tạo ra sợi dây kết nối tình cảm láng giềng, qua đó, tạo nên sức mạnh tập thể, góp phần xây dựng quê hương.