Hành trình sao la thành linh vật SEA Games 31

Mẫu thiết kế sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã vượt qua gần 600 tác phẩm, được chỉnh sửa nhiều lần, để thành linh vật SEA Games 31.

Cuối năm 2019, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi thiết kế linh vật và logo cho SEA Games 31. Biết thông tin này, dù đã ngoài 50 tuổi, họa sĩ Ngô Xuân Khôi rất hào hứng. “Tôi tham gia cuộc thi với tâm thế không hy vọng được giải, bởi đây là sân chơi cho họa sĩ trẻ có thế mạnh về công nghệ, đồ họa hiện đại, còn tôi đã trung niên. Nhưng tôi nghĩ mình là họa sĩ, công dân Việt Nam, nên có trách nhiệm dự thi”, ông nhớ lại.

Suy nghĩ nhiều ngày ông vẫn chưa tìm được con vật ưng ý để thiết kế. Một đêm khó ngủ, ông chợt nhớ năm 1992 từng đọc thông tin về loài vật được phát hiện lần đầu trên thế giới tại vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, tên sao la. 30 năm trước, đây là một trong những phát hiện về động vật quan trọng nhất thế kỷ 20, mang ý nghĩa lịch sử với ngành khoa học vì trong suốt 100 năm trước đó, chỉ có 5 loài thú lớn được phát hiện mới.

Vậy là ông Khôi bật dậy, tra cứu thông tin và hình ảnh về sao la. Hồi đó, tên sao la và hình ảnh chưa phổ biến như hiện nay. Xem xong, ông thầm reo lên “tìm ra rồi”. “Tôi ấn tượng mạnh bởi tên và hình ảnh sao la. Đây là loài vật đặc biệt, cần được lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng”, ông kể.

Hành trình sao la thành linh vật SEA Games 31

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cùng mẫu thiết kế sao la - linh vật SEA Games 31. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngay đêm đó ông phác thảo sao la. Nhưng từ khi có ý tưởng đến lúc hoàn thành bản vẽ, họa sĩ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vì chưa thấy sao la mà chỉ tham khảo thông tin trên mạng. Ban tổ chức nêu tiêu chí chung là linh vật SEA Games có bản sắc Việt để các họa sĩ tự suy nghĩ thể hiện. Linh vật phải được nhân cách hóa, thuận lợi cho sản xuất thú bông làm quà tặng, trưng bày.

Làm sao để sao la có bản sắc riêng, không giống với cách tạo hình của hoạt hình Disney hay cách vẽ của Nga, Nhật, Hàn Quốc? Làm sao để linh vật đại diện cho Việt Nam không bị pha tạp bởi các nền văn hóa khác? “Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi chọn cách vẽ sao la bình dị, gần gũi, giống nhân vật trong nghệ thuật múa rối nước, trang phục có phần giống nông dân, nhưng có nét của môn võ truyền thống Việt Nam”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi chia sẻ.

Sau hai tuần, ông hoàn thiện tác phẩm, chuẩn bị gửi dự thi. Tuy nhiên, vì sợ chưa nhiều người biết đến sao la nên trong lời thuyết minh gửi đi, ông ghi rõ “đây không phải dê, không phải huơu, nai, hoẵng mà là sao la - loài vật chỉ sinh sống tại vùng rừng núi hẻo lánh thuộc Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào”.

Cùng với sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi, gần 600 tác phẩm của nhiều họa sĩ trên toàn quốc được gửi đến Ban tổ chức, ứng tuyển linh vật SEA Games.

Nhớ lại quá trình lựa chọn linh vật SEA Games 31, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo, chia sẻ: “Từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã chấm sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Tác phẩm rất thuận mắt, ưa nhìn”.

Theo ông Đoàn, tại SEA Games 22 năm 2003, con trâu được lựa chọn làm linh vật vì sự gần gũi, thân thiện với đa số người dân Việt Nam. Vì vậy, tại kỳ SEA Games 31, Hội đồng giám khảo muốn lựa chọn loài vật có tính biểu tượng cao, thân thiện, đẹp. Sao la đáp ứng đầy đủ tiêu chí này. “Dù là loài vật lạ, hiếm, không thường xuyên xuất hiện, ít người được gặp, nhưng chỉ nghe tên sao la đã thấy dễ thương, tò mò”, ông Đoàn chia sẻ.

Hành trình sao la thành linh vật SEA Games 31

Hình tư liệu về hai con sao la được cán bộ vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh lưu giữ. Ảnh: Đức Hùng chụp lại

Bên cạnh sao la, rất nhiều tác phẩm vẽ loài vật quen thuộc với người Việt được gửi đến, như hổ, chó, mèo, gà, lợn. Mỗi con vật có nhiều họa sĩ vẽ. Thậm chí, sao la cũng được nhiều họa sĩ thể hiện. “Tuy nhiên, các loài vật này chưa gây được ấn tượng đặc biệt với Hội đồng giám khảo. Sao la của Ngô Xuân Khôi toát lên vẻ đáng yêu, nhanh nhẹn, năng động”, họa sĩ Lê Huy Tiếp, thành viên Hội đồng giám khảo, nhớ lại.

Sau khi vượt qua vòng sơ khảo, 5 tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo, tiếp tục chỉnh sửa. Tiếp đó, sao la cùng hai tác phẩm khác là nghê cười và hổ được đưa ra thảo luận nhiều lần về ý nghĩa, thẩm mỹ. Có ý kiến cho rằng nên chọn hổ, vì cách tạo hình đơn giản, biểu tượng cho tinh thần thượng võ, phù hợp với sự kiện thể thao. Có người đề xuất chọn nghê vì mang đậm nét văn hóa người Việt Nam từ xa xưa.

Cuối cùng, các thành viên Hội đồng giám khảo đồng thuận chấm sao la giải nhất, chọn làm linh vật SEA Games 31. “Sao la là hình ảnh mới lạ, khiến mọi người phải chú ý ngay từ tên gọi. Nghe tên sao la, nhiều người sẽ tự hỏi đây là con gì? Càng tìm hiểu về loài vật này, càng thấy thú vị. Linh vật mang đậm màu sắc dân tộc, từ trang phục, màu sắc, cử chỉ”, họa sĩ Lê Huy Tiếp nhận định.

Hành trình sao la thành linh vật SEA Games 31

Thú bông sao la. Ảnh: Seagames2021.com

Bà Lê Hoàng Yến, Tổng cục phó Thể dục Thể thao, lại rất ấn tượng với cặp sừng sao la thẳng, thuôn dài, tạo hình chữ V - biểu tượng chiến thắng và đại diện cho chữ Việt Nam. “Ngoài vẻ đẹp thuần khiết và bí ẩn, sao la còn là biểu tượng cho tinh thần chiến thắng và đại diện cho quốc gia”, bà Yến bày tỏ.

Khi biết tin tác phẩm của mình được lựa chọn làm linh vật SEA Games 31, họa sĩ Lê Xuân Khôi nói rất xúc động. Sao la, từ loài vật bí ẩn, lẻ loi, cô đơn trên dãy Trường Sơn, sẽ được góp mặt trong sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á, đến với hàng nghìn vận động viên, cổ động viên trong và ngoài nước.

Sau khi được lựa chọn, họa sĩ tiếp tục chỉnh sửa tác phẩm nhiều lần, theo góp ý của Hội đồng giám khảo. Có lúc, sao la được thiết kế hơi thấp, béo. Cũng có ý kiến đề nghị làm sao để linh vật ngộ nghĩnh, vui tươi như nhân vật Pikachu hay hay chú mèo máy Doraemon. Sau cùng, hình tượng sao la được thiết kế cao, thanh thoát, giống người hơn.

Cùng với linh vật sao la, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định chọn logo (mẫu biểu trưng) cho SEA Games 31 là bàn tay chữ V, thể hiện dưới dạng cánh chim hòa bình bay lên - biểu tượng tinh thần nhân ái, nhân văn, cao thượng. Hình tượng chữ V cũng tượng trưng cho đất nước Việt Nam, là chữ cái đầu của từ Victory (chiến thắng).

Theo Viết Tuân/VNE

Đọc thêm

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.
Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm 2024, điền kinh Hà Tĩnh gặt hái được nhiều huy chương tại các giải đấu. Ngoài sự tỏa sáng của những trụ cột còn có nhiều vận động viên trẻ, hứa hẹn là lứa kế cận đầy triển vọng.
Huyền thoại Nadal

Huyền thoại Nadal

Ai có thể quên hình ảnh một chàng trai trẻ, với mái tóc xù và chiếc áo không tay, tung hoành trên các sân đất nện, khuấy đảo làng quần vợt thế giới? Đó là Rafael Nadal.