Qua những cuộc gọi video, mẹ con chị Nguyệt cùng bố mẹ Trung uý Nguyễn Văn Hoàng vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp nơi đảo xa.
Tôi tình cờ gặp lại Trung uý Nguyễn Văn Hoàng (Phân đội Đảo Sơn Dương, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) tại nhà của anh ở xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) trước khi anh lên đường làm nhiệm vụ ở đảo Sơn Dương (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh). Trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020, anh tranh thủ về thăm gia đình mấy ngày rồi lại vào đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Lại thêm một năm nữa anh không được đón Tết ở nhà cùng gia đình. Dù vậy, vợ con rất thấu hiểu nên lúc nào cũng động viên anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoài công việc ở cơ quan, ở nhà, người vợ trẻ còn nuôi gà để cải thiện bữa ăn hằng ngày và tăng thêm thu nhập vào dịp Tết
Cách đây 3 năm, vì yêu người lính trẻ mà chị Phan Thị Nguyệt (SN 1994) chấp nhận thiệt thòi cùng anh “vượt sóng”. Cưới nhau được mấy ngày thì anh nhận lệnh trở lại đơn vị công tác. Mấy hôm đầu anh đi, đêm đến chị cứ khóc ròng. Rồi lần lượt qua những lần sinh nở thiếu vắng chồng ở bên, lắm lúc chị Nguyệt cũng tủi thân. Thế nhưng, chị luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của người vợ, vừa làm tốt công việc ở cơ quan, vừa bận bịu chăm sóc bố mẹ, con cái.
Chị Nguyệt chia sẻ: “Là vợ lính, tôi vừa là mẹ vừa là cha để chăm sóc hai con, phụng dưỡng bố mẹ. Những ngày giáp Tết này, cả gia đình sẽ cùng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gạo nếp, lá dong gói bánh chưng, cùng đón tết thật vui để chồng nơi đảo xa yên tâm công tác”.
Hạnh phúc của bà Nguyễn Thị Lan là cùng chồng và con dâu nuôi dạy các cháu trưởng thành.
Ở đất liền, bà Nguyễn Thị Lan (tổ dân phố 10, thị trấn Thạch Hà) cũng như biết bao người mẹ khác đang ngày đêm làm điểm tựa vững vàng cho anh Nguyễn Hữu Thuỷ, hiện là cán bộ Tăng thiết giáp Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân ở đảo Trường Sa.
Ngót 23 năm, đứa con của bà gắn bó với việc canh giữ vùng biển quê hương, gần như việc đón Tết ở nhà cùng gia đình là một điều xa xỉ. Đón Tết thiếu đi một thành viên, ai cũng nhớ mong. Tuy vậy, cả gia đình luôn tự hào vì có một người con, người chồng đang ở nơi đầu sóng ngọn gió, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người mẹ lính Trường Sa chia sẻ: Dù con trai đang công tác ở đảo xa nhưng đó là một vinh dự cho gia đình, bởi bình yên của Tổ quốc có phần đóng góp của con. Là một người mẹ, tôi cố gắng trở thành điểm tựa cho con dâu và các cháu. Chỉ mong con trai ở phương xa “chân cứng, đá mềm” vượt qua vất vả, hoàn thành nhiệm vụ cao cả”.
Bận bịu với công việc dạy học ở trường nhưng chị Minh cũng dành thời gian chăm sóc gia đình, trang trí nhà cửa để vui Tết đón Xuân
Còn với chị Thái Thị Minh, vợ anh Thuỷ, khi chứng kiến cảnh các gia đình khác đoàn tụ trong ngày tết cổ truyền, chị không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, giấu đi nỗi buồn riêng, chị Minh cùng các con vẫn luôn vững vàng, động viên, tiếp thêm sức mạnh, làm điểm tựa cho chồng yên tâm công tác. Mỗi lần nhớ anh, ba mẹ con thường mang những con ốc mà anh Thuỷ gửi về từ quần đảo Trường Sa ra ngắm. Để từ đó, chị cùng hai người con cảm nhận hơn sự gần gũi của anh và tìm thấy niềm tin, niềm tự hào của hậu phương lính đảo.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Ban CHQS huyện Thạch Hà đối với gia đình anh Nguyễn Hữu Thủy vào những dịp Tết đến như tiếp thêm động lực giúp anh yên tâm công tác, vững vàng nơi đảo xa
“Càng vắng anh thì tôi càng phải có trách nhiệm hơn với gia đình hai bên và hai con. Những ngày giáp Tết, cho con đi sắm bộ quần áo mới, tất tả lo dọn dẹp nhà cửa, mua lễ bày trên bàn thờ tổ tiên. Chỉ có một mình trong những thời khắc ấy khiến tôi cũng thoáng chút thủi thân, nhưng tôi hiểu chồng tôi còn gánh trên vai trách nhiệm của một người con đối với Tổ quốc. Vì vậy, tôi phải thật vững vàng để anh yên tâm làm tốt nhiệm vụ của mình”- chị Minh tâm sự.
Dù mới ra công tác hay đã nhiều năm, dù đi một lần hay đã vài lần thì những gia đình có con, chồng, cha làm nhiệm vụ nơi biển đảo đều tự hào, luôn là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm “chắc tay súng, vững chí bền”.
Cũng từ đảo xa, tình cảm đồng chí, đồng đội càng thêm thiêng liêng, bền chặt như một gia đình. Trong tiếng sóng biển rì rào giữa trùng khơi bao la, anh em ngồi quanh nồi bánh chưng kể chuyện về gia đình, vợ con, về quê hương xóm làng. Ai cũng nhớ, cũng thương, cũng mong được đoàn viên, nhưng thầm hẹn sẽ là ở mùa xuân sau...