Những con số ấn tượng…
Tính đến 31/5, tổng nguồn vốn huy động đạt 44.742 tỷ đồng, tăng 7,35% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 39.824 tỷ đồng, tăng 5,16% so với đầu năm. Dự kiến, chỉ số này sẽ còn tăng, đạt 8,98% mức tăng trưởng huy động vốn và 7,6% mức tăng trưởng dư nợ tín dụng.
Vietinbank Hà Tĩnh nằm trong nhóm các ngân hàng có mức cho vay cao hơn huy động.
Agribank Hà Tĩnh trong 5 tháng đầu năm huy động nguồn vốn đạt hơn 16.975 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng mức huy động của toàn ngành và dư nợ cho vay đạt gần 11.553 tỷ đồng, cao hơn mức cho vay cả năm 2017 là 272 tỷ đồng. Theo đánh giá của Agribank Hà Tĩnh, những con số này kỳ vọng mức tăng trưởng cao trở lại sau vài năm liên tiếp gặp khó khăn. Cùng với việc linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, vừa tập trung nguồn vốn vay về nông nghiệp, nông thôn, vừa đẩy mạnh tìm kiếm cho vay khách hàng cá nhân đang tạo nên những nấc thang tăng trưởng ổn định.
Tăng trưởng tương đối hiệu quả ở cả 3 chỉ tiêu: Huy động, dư nợ cho vay và kiểm soát nợ xấu an toàn, Vietinbank Hà Tĩnh nằm trong nhóm các ngân hàng có mức cho vay cao hơn huy động. Tổng nguồn huy động đến cuối tháng 5 đạt 3.304 tỷ đồng, trong khi cho vay tại chi nhánh này ở mức 4.865 tỷ đồng. Điều đáng nói, chất lượng tín dụng luôn được đặt trong phạm vi kiểm soát tốt, với 96% dư nợ nằm ở nhóm 1.
Không chỉ ở các ngân hàng có vốn nhà nước, hoạt động kinh doanh của phần lớn các ngân hàng khá thuận lợi. ACB Hà Tĩnh vượt trội trong nhóm cổ phần với 1.844 tỷ đồng dư nợ cho vay, cao hơn chỉ tiêu của cả năm 2017 (tăng trưởng dư nợ 2017 đạt 50%), huy động vốn 1.044 tỷ đồng; VPBank Hà Tĩnh đạt 1.407 tỷ đồng huy động và hơn 883 tỷ đồng cho vay.
Không tăng trưởng “nóng”
Bà Bùi Thị Huệ, Trưởng phòng Tổng hợp nhân sự và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Đến thời điểm này, hoạt động ngân hàng tương đối an toàn và hiệu quả. Để đạt kỳ vọng tăng 18-20% đối với nguồn vốn huy động và 17-18% đối với dư nợ so với 2017 của toàn ngành, các ngân hàng sẽ “tăng tốc” các chỉ tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, quan điểm vẫn là đặt chất lượng tín dụng lên hàng đầu, không tăng trưởng “nóng”.
Sản xuất chăn nuôi phục hồi là dấu hiệu tốt cho các ngân hàng đẩy vốn cho vay
Nhìn từ thực tế, các ngân hàng dựa vào tăng trưởng nguồn vốn là chủ yếu. Trong khi nhiều doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được các điều kiện để vay. Nhất là đối với mặt bằng doanh nghiệp Hà Tĩnh thì khả năng hấp thụ nguồn vốn khá thấp, khiến cho việc tăng trưởng dư nợ gặp khó.
Đó là chưa kể, các chính sách thắt chặt của ngân hàng trung ương, cùng với việc chính sách hỗ trợ lãi suất, đối tượng, quy mô của Chính phủ, của tỉnh giảm mạnh sẽ tác động không nhỏ đến môi trường đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2018, nợ xấu toàn hệ thống ghi nhận có xu hướng tăng so với cuối năm 2017, chiếm 1,67% (năm 2017 là 1,36%). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính lợi nhuận các ngân hàng mà còn tiềm ẩn rủi ro “tắc nghẽn” sự tăng trưởng của hệ thống.