Chiến lược của SHB Hà Tĩnh là sẽ trở thành một ngân hàng bán lẻ
Hết quý I/2018, mức tăng dư nợ của Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Hà Tĩnh là 60 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Mức tăng này, 80% là dựa vào phát triển mảng bán lẻ.
Ông Trần Trọng Thái, Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Tín dụng bán lẻ là “sản phẩm lõi” của HDBank. Tập trung vào phục vụ khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, kinh doanh buôn bán nhỏ. Ngoài các chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho khách hàng, chương trình chuỗi từ hội sở đã hỗ trợ rất nhiều trong việc giúp Chi nhánh phát triển khách hàng ở thị trường nhiều tiềm năng này”.
Cho vay tiêu dùng, món vay nhỏ nhưng giúp các khách hàng có điều kiện phát triển kinh doanh
Hiện nay, HDBank có những gói vay khá chuyên biệt bằng việc liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, cho vay theo chuỗi như: cho vay phát triển chăn nuôi liên kết với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam; phát triển kinh doanh dịch vụ hàng hóa với Công ty Sữa Việt Nam… Năm nay, với việc ra đời thêm 2 phòng giao dịch tại Hương Sơn và Lộc Hà, HDBank Hà Tĩnh đang phấn đấu mục tiêu phát triển quy mô thêm 300 tỷ từ kênh bán lẻ.
Ra đời sau so với nhiều Chi nhánh Ngân hàng TMCP trên địa bàn, SHB Hà Tĩnh cũng khai thác triệt để thị trường ở mọi phân khúc khách hàng. Từ vay mua ô tô, bất động sản, kinh doanh hay tiêu dùng cá nhân…, mức lãi suất thấp nhất chỉ 8%/năm, cạnh tranh tốt trên thị trường. Bà Phạm Thị Ngọc Hoa, Giám đốc Chi nhánh cho hay: “Dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 100 tỷ đồng. Chiến lược vẫn đặt mục tiêu cao nhất cho bán lẻ, gồm bán lẻ tiêu dùng và mở rộng dịch vụ tiện ích”.
Cũng theo bà Hoa, dù mới hoạt động 8 tháng nhưng việc xây dựng đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, văn minh cùng với tác phong phục vụ linh hoạt, an toàn đã tạo dựng được niềm tin cho khách hàng.
Trên thực tế, việc chuyển hướng sang phục vụ khách hàng cá nhân đã khá rõ trong nhiều năm nay ở tất cả các ngân hàng. Thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong tháng 3, tỷ lệ cho vay ngắn hạn của các ngân hàng chiếm ở mức 60% tổng dư nợ. Cho vay lĩnh vực này, lãi suất thường nhỉnh hơn, vì thế mà lợi nhuận thu về cho các nhà băng cũng tốt hơn. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu tiêu dùng cá nhân ngày càng lớn, tín dụng bán lẻ trở thành “mỏ vàng” cho các ngân hàng khai thác triệt để.
Cho vay mua ô tô đang được nhiều ngân hàng trên địa bàn xem là "mỏ vàng" nhiều tiềm năng nhất hiện nay
Tuy nhiên, không giống như ở các thành phố lớn khác, thị trường Hà Tĩnh nhỏ lẻ, tín dụng tiêu dùng chỉ “luẩn quẩn” ở bán lẻ đơn thuần. Đó là vay mua ô tô, buôn bán nhỏ lẻ, sửa chữa nhà ở… Nguồn vốn đầu tư phân tán, khách hàng nhỏ cũng là trở ngại không ít cho việc thúc đẩy tăng trưởng đột phá.
Hơn thế, tài sản thế chấp có “sức nặng” nhất của khách hàng lại là bất động sản, một trong những tài sản có mức rủi ro không kém khi thị trường biến động. Một khi nhà băng “vung tay” quá đà, rủi ro tín dụng cũng tiềm ẩn khó lường trước.