Hoa hồng Vu Lan

(Baohatinh.vn) - Đêm Vu Lan, tôi rủ chị Hân đưa cu Nghĩa cùng mẹ con tôi lên chùa. Sư Nhã trụ trì vui lắm. Sư tự tay cài lên ngực Nghĩa, Huy mỗi đứa một bông hồng đỏ.

1.

Chị mới dọn về xóm, xây cái nhà nhỏ, định cư luôn. Con trai chị với con tôi chung lớp 5, ngày nào cũng qua nhà chơi. Thằng nhỏ lễ phép, chỉ phải cái hơi… sa đà: sa vô chơi là quên luôn trời đất, bữa cơm nào mẹ cũng phải vác roi đi kiếm. Vài lần trò chuyện xã giao mới biết: té ra chị Hân cũng mẹ đơn thân. Đàn bà cùng cảnh dễ cảm thông. Tôi chú ý nhiều đến chị hơn, người đàn bà - nghe nói mưu sinh bằng nghề “thợ đụng”, có gương mặt khắc khổ, cam chịu. Chưa hết, đôi khi còn thăm thẳm nỗi buồn…

- Thấy Nghĩa nó vậy thôi chớ không hiền đâu mẹ! Con trai tôi mách.

- Ủa, sao kỳ? Mẹ thấy nó… được mà!

- Được với mẹ thôi; chứ về nhà nghe nói nó hỗn với mẹ nó hết biết. Mẹ nói câu nào nó đốp lại câu đó. Có lần mẹ tức, rút roi, nó to gan nhào vô… đấm mẹ rồi bỏ chạy!

- Trời, vậy sao con còn chơi với nó?

- Tại… với con nó cũng được mà!

Lý ấy của cu Huy khiến tôi thua. Tôi bắt đầu cảnh giác hơn với ông “quý tử” của chị Hân những lần cháu đến chơi sau. Không có gì bất ổn ngoài việc đôi lúc thấy Nghĩa hơi lầm lì nhưng cư xử đúng mực. Đến thưa về trình, nhận gì cũng cảm ơn rất đúng phép. Biết vậy nhưng tôi nhiều khi vẫn nơm nớp. Tôi là cô giáo nhưng cũng là mẹ. Bản năng người mẹ luôn muốn tránh những điều không hay có thể xảy đến cho con. Khốn nỗi, đâu có lý do nào chính đáng để cấm chúng chơi với nhau. Thêm nữa, thằng Huy vẻ rất thân, rất quý cu Nghĩa. Là mẹ, tôi yêu con; đứa con mới lọt lòng mẹ đã phải chịu cảnh không cha. Giờ niềm vui của con, tôi nỡ lòng nào…

Hoa hồng Vu Lan

Thằng Huy vẻ rất thân, rất quý cu Nghĩa. Ảnh minh họa từ Internet

2.

Năm học mới, tôi nhận chủ nhiệm lớp 6.

Trường phân công, nhưng cũng là nguyện vọng của cô giáo. Lý do riêng tư ít ai hay: năm nay cu Huy con tôi cũng vào lớp 6… Mà không phải tôi muốn nói cu Huy, đối tượng tôi muốn tiếp cận chính là anh cu Nghĩa.

Giờ mới thực sự biết tiếng đồn không ngoa. Bước vào lớp, cảnh thường xuyên tôi chứng kiến là chỗ ngồi của Nghĩa bỏ trống. Ủa, Nghĩa đâu? Bạn cùng lớp nhấm nháy mắt, đưa tay chỉ chỉ. À, thì ra cu cậu đang lom khom bò… dưới gậm bàn. Chưa hết, vào học còn có trò ngứa tay viết bậy lên lưng áo bạn, vò đạn giấy bắn vô mông đứa ngồi trước. Lại nữa; tuần nào sinh hoạt lớp mấy bạn cũng thưa cô, bạn Nghĩa xả xẹp xe em và vân vân. Không nghịch ngợm quá quắt nhưng… lỳ, thầy cô nói cứ nhơn nhơn. Mới hơn tháng đầu năm, cô chủ nhiệm tôi đã điên đầu khi phải nghe tới tấp những pha “mắng vốn”.

Hoa hồng Vu Lan

Thật tình, đang tức cách mấy mà nhìn cái bộ dạng “sám hối” thành khẩn của cu cậu, cô giáo tôi cũng đành… hạ hỏa, cho qua. Ảnh minh họa từ Internet

Mà lạ lắm; với tôi, cô giáo chủ nhiệm, Nghĩa nhũn như con chi chi. Kêu ra chấn chỉnh cứ dạ thưa, em biết rồi, em xin lỗi cô, để em sửa… Thật tình, đang tức cách mấy mà nhìn cái bộ dạng “sám hối” thành khẩn của cu cậu, cô giáo tôi cũng đành… hạ hỏa, cho qua. Thái độ sám hối ấy - kỳ lắm - nó chân thật thiệt tình chứ không phải Nghĩa đang giả vờ cho “qua ải”. Chắc do Nghĩa thường tới nhà tôi chơi, được tôi tôn trọng, đối đãi công bình như với cu Huy: ăn uống cái gì cũng chia đôi phần hai đứa, sai phạm lỗi lầm trách mắng như nhau. Có bữa Nghĩa chơi nghịch chạy vấp chân toạc da máu chảy ròng; tôi phải chạy đi mua bông băng, thuốc sát trùng về tự tay lau rửa vết thương, băng bó cho Nghĩa. Lần đầu tôi thấy Nghĩa ứa nước mắt. Chắc không phải vì đau.

Công bằng, chuyện nghịch ngợm quậy phá ở trường được cô giáo tôi kèm cặp, nhắc nhở thường xuyên Nghĩa có vẻ bơn bớt. Hết hẳn thì không; nhưng mười phần bớt chừng năm, sáu. Với cô giáo tôi vậy là ok. Lớp 6 mà, còn con nít lắm. Duy mỗi câu chuyện “gây sốc” nghe được về mối quan hệ giữa mẹ con Nghĩa tôi chưa dám đụng đến. Không biết tự khi nào tôi đã bắt đầu yêu thương đứa học trò tính khí hơi kỳ khôi nhưng tôi tin chắc không phải là người xấu. Câu chuyện Nghĩa hỗn hào với mẹ - cái nguyên nhân ấy tôi tin mình sẽ tìm ra để “minh oan” cho em.

3.

Xe múc, xe ủi dàn hàng, đậu đông chân núi. Ngọn đồi bỏ hoang gai góc lâu nay đột ngột bị đánh thức! Xúc, ủi, san, kè. Chớp mắt vài ngày, lưng đồi đã hiện ra một mặt bằng rộng rãi. Công trình gì vậy? Ông trưởng thôn hồ hởi: Nghe “trên” nói có người phát tâm công đức, xin đất xây chùa…

Là thầy Nhã. Thầy Nhã dân gốc xóm núi, mồ côi cha sớm. Lúc nhỏ nổi tiếng hoang đàng ngỗ nghịch, mẹ dạy không nổi phải dắt lên phố gửi vào tự viện, hy vọng ánh sáng Phật môn giúp giáo hóa được thầy. Mẹ vừa quay lưng nghe tin con cũng bỏ chùa đi. Dấn thân vào chốn giang hồ, nhiều phen phạm pháp vào tù ra khám. 5 năm sau, sực nhớ người xưa cảnh cũ lần mò về thăm quê mới biết mẹ không còn. Người phụ nữ thua buồn vì đứa con hư, sống mòn mỏi nhiều năm trước khi mang bệnh lìa đời. Thông tin ấy thầy Nhã nghe hàng xóm thuật lại. Mẹ không còn. Còn lại trước mắt thầy chỉ ngôi nhà hoang xung quanh um tùm cỏ dại; bàn thờ với bát hương cắm đầy những chân hương lạnh và nghĩa trang lưng chừng núi cô đơn hoang vắng một nấm mồ. Đứa con hư đốn tìm về đã phủ phục suốt một ngày đêm trên tảng thạch bàn bên mộ mẹ không uống, không ăn. Hôm sau xếp dọn hành trang, gửi gắm nhà cửa, bái tạ xóm làng. Rồi đi.

Hoa hồng Vu Lan

Ảnh minh họa từ Internet.

Biệt tích thêm một thời gian, lần này “đứa con hư” ấy lại trở về. Lạ - bởi đã xuống tóc mặc cà sa. Nghe bảo lâu nay giữ chân giúp việc cho Sư trưởng trụ trì một ngôi chùa lớn, tương lai sẽ thành người kế nhiệm. Vậy mà từ bỏ, xin được du phương quyên góp tịnh tài chuyển về quê, xin chính quyền cấp đất xây chùa. Đấy là nơi đệ tử trót gây nên ác nghiệp bởi lầm mê. Đệ tử phải trở về, nguyện phát tâm dành trọn phần đời sau kiến tạo Phật đường, ươm mầm Phật pháp, giáo hóa chúng sinh…

Vị tăng sĩ đó chính là thầy Nhã.

Chùa được đặt tên chùa Từ Mẫu; xây dựng chóng vánh, nửa năm đã hoàn tất. Nhỏ thôi, nhưng khang trang, xinh xắn. Bảo khí, tôn tượng được các chùa bạn và “chùa mẹ” nơi Sư trưởng còn tại vị mang cúng dường. Ngày trụ trì, sư Nhã thỉnh hồi chuông đầu tiên chính thức khánh thành, quá nửa dân xóm háo hức đổ lên chùa vãn cảnh, thắp hương. Không khí xóm giềng đầm ấm, bình an hơn khi mỗi chiều có tiếng chuông chùa thong thả ngân nga. Dân mừng. Chính quyền cũng hoan nghênh.

4.

Tháng bảy âm lịch. Ngày nghỉ. Tôi xin phép chị Hân cho Nghĩa cùng mẹ con tôi lên chùa Từ Mẫu chơi.

Được thay đổi môi trường, hai đứa thích lắm, chạy loăng quăng, thấy gì cũng hỏi. Mẹ ơi, sao chùa lại có tên “Từ Mẫu”? Cô ơi, cái ông mặt mày dữ tợn đứng canh cửa chùa là ông gì và vân vân. Sắp tới ngày rằm, sân chùa chăng dọc chăng ngang các dây đèn màu trang trí; cổng chùa được treo tấm băng rôn có hàng chữ lớn: Đại lễ Vu Lan.

- Đại lễ Vu Lan là gì hở cô? Là… Một câu chuyện dài lắm, các con!

Tôi ý tứ dắt Nghĩa, Huy ra ngồi trên ghế đá vắng phía sau vườn chùa. Là Phật tử, đương nhiên tôi biết chuyện Đại Bồ Tát Mục Kiền Liên. Nhưng tôi không kể với các em chuyện Mục Kiền Liên. Tôi kể chuyện thầy Nhã.

Câu chuyện bắt đầu từ một đứa trẻ hư không vâng lời mẹ bỏ nhà đi hoang; tới lúc chồn chân quay về thì mẹ đã không còn. Câu chuyện về một gã trai giang hồ quỳ bên mộ mẹ không uống, không ăn, khóc đến cạn nước mắt trước lúc quyết định quay đầu làm cuộc hành trình chuộc lỗi. Và sau rốt, câu chuyện về một vị trụ trì đáng kính mỗi đêm rằm Vu Lan luôn cài lên ngực mình đóa hoa hồng trắng. Nội dung pháp thoại của thầy luôn kể về tội lỗi của một đứa con sống không tốt khiến mẹ phải buồn đau; để tới lúc tỉnh ra mọi sự đã muộn màng.

Bên kia cu Huy rươm rướm nhưng bên này Nghĩa đang ròng ròng nước mắt. Tôi ôm lấy em :

- Sao vậy con? Sao khóc?

- Cô ơi, con cũng không tốt. Con… hỗn với mẹ…

- Nói cô nghe, sao con lại hỗn với mẹ?

- Là… ai biểu mỗi lúc kình con mẹ cứ kêu: “hư đốn, giống cái nòi cha mày”. Con… con… hông có giống cha!

Hoa hồng Vu Lan

Sư thầy tự tay cài lên ngực Nghĩa, Huy mỗi đứa một bông hồng đỏ.

5.

Đêm Vu Lan, tôi rủ chị Hân đưa cu Nghĩa cùng mẹ con tôi lên chùa. Sư Nhã trụ trì vui lắm. Sư tự tay cài lên ngực Nghĩa, Huy mỗi đứa một bông hồng đỏ. Tan lễ còn kêu vào cho lộc Phật. Mấy ngày sau tôi ra chợ lại gặp chị Hân. Chị hồ hởi khoe: thằng Nghĩa nhà tui bữa giờ lạ lắm cô à; bớt ương bướng, ngổ ngáo, còn biết giúp mẹ việc nhà. Lần đầu tiên tui thấy nó vậy; cứ như thành người khác! Vâng; nhưng chị nhớ đừng mắng cháu… Dạ dạ, tui nhớ mà. Tui sai quá, cám ơn cô…

Đọc thêm

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Khi đã trải qua quá nhiều va vấp trên đường đời, tôi càng thấm thía hơn những nghĩa tình ấy. Chợt nhận ra, mẹ cũng chính là một chiếc nón vĩ đại che chở tôi đến hết cuộc đời…
Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Kenza Layli - một nhân vật hoàn toàn được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vừa giành giải Hoa hậu AI. Người đẹp ảo này vốn có sức ảnh hưởng về mảng phong cách sống, thu hút lượng người theo dõi đông đảo trên Instagram, TikTok.
Vòng xòe nở hoa

Vòng xòe nở hoa

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, bà không tin là trong đời mình, có ngày lại được tự tay thắp hương lên mộ những vị anh hùng dân tộc...
Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tôi lớn lên, cảm giác như không gian nhỏ hẹp đi. Cái man mác buồn bơ vơ của ngày nhỏ cũng không còn nữa. Thiếu thốn qua đi, kỷ niệm không còn nguyên sơ nữa...
Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Đêm tàn dần. Bình minh bắt đầu lên từ phía bên kia thành phố. Huyên đi qua một đêm thức trắng, kỷ niệm chầm chậm trôi trong đầu như một cuốn phim...
Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Sau mỗi lần trời mưa, tôi thường có thói quen ngồi ở một chỗ nào đó thật cao để đón lấy cái hừng nắng đầu tiên. Cái hừng nắng trông non nớt mà lại vô cùng mạnh mẽ...
Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Thủ đô Vienna của Áo một lần nữa được “xướng tên” là thành phố đáng sống nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng thường niên của Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tập đoàn dịch vụ thông tin và truyền thông toàn cầu The Economist, trong đó có báo The Economist.
Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh khẳng định ‘khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông’, mà bắt đầu từ chính triết lý, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức…