Hóa thạch hé lộ về bệnh tật của loài khủng long thời tiền sử

Qua nghiên cứu hóa thạch, các nhà khoa học nhận thấy xương con khủng long này phát triển bất thường ở đoạn nối giữa mô hô hấp và xương ở ba đốt sống, bằng chứng cho thấy nhiễm trùng lan rộng từ phổi.

Hóa thạch hé lộ về bệnh tật của loài khủng long thời tiền sử

Ảnh minh họa. (Nguồn: Livescience)

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện được bằng chứng mắc bệnh cúm và nhiễm khuẩn nấm trong hóa thạch của một con khủng long sống vào Kỷ Jura tại Mỹ. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports.

Vào thời điểm Kỷ Jura còn ấm áp và ẩm ướt, tại khu vực um tùm cây cối với hệ động thực vật đa dạng nay là vùng Tây Nam của bang Montana (Mỹ), một con khủng long cổ dài đang trong thời kỳ phát triển đã bị cúm và có các triệu chứng giống như viêm phổi như sốt, mệt mỏi kèm theo hô hấp kém, ho, hắt hơi và thậm chí tiêu chảy.

Khoảng 150 triệu năm sau, các nhà khoa học đã phát hiện được những phần còn lại của bộ xương con vật xấu số được đặt tên là “Dolly.” Đây là con khủng long đầu tiên được biết đến có bằng chứng về bệnh hô hấp.

Dolly đã gặp phải tình trạng phát triển bất thường, hình thành nên bộ phận giống bông cải xanh trên ba xương cổ khi các túi khí liên kết với phổi bị nhiễm trùng.

Theo các nhà khoa học, con khủng long này dường như bị nhiễm nấm tương tự như aspergillosis, một bệnh hô hấp phổ biến thường khiến các loài chim và bò sát hiện đại bị chết hoặc đôi khi gây nhiễm trùng xương. Đây có thể là nguyên nhân khiến Dolly chết.

Khủng long cũng mắc bệnh giống như bất kỳ loài động vật nào khác, song các dấu vết của căn bệnh lại rất hiếm gặp trong hóa thạch vì mô mềm khó có thể được bảo quản trong quá trình biến thành hóa thạch, vốn chỉ lưu giữ được những thứ cứng như xương, răng và móng vuốt.

Các hóa thạch khủng long trước đây đã cho thấy các bệnh lý như tình trạng xương gãy và tự lành, áp xe răng, nhiễm trùng máu ảnh hưởng đến xương, viêm khớp và thậm chí là ung thư xương.

Dolly thuộc về một loài khủng long sauropod chưa từng được biết đến trước đây. Đây là nhóm khủng long ăn thực vật có đuôi và cổ dài, đầu nhỏ, cùng 4 chân vững chắc.

Chúng nằm trong số những động vật trên cạn to lớn nhất trong lịch sử Trái Đất. Dolly có chiều dài khoảng 18m và nặng khoảng 4 đến 5 tấn.

Theo Cary Woodruff, Giám đốc Cổ sinh vật học tại Bảo tàng Great Plains Dinosaur ở Malta, Montana, cũng là tác giả chính của nghiên cứu, con vật đã chết khi được 15-20 tuổi. Những con khủng long sauropod thường đến tuổi trưởng thành ở cuối độ tuổi 20.

Sauropod và khủng long ăn thịt được gọi là theropod, một nhóm bao gồm các loài chim, sở hữu các đường hô hấp phức tạp hơn động vật có vú.

Ngoài phổi, chúng còn có các túi khí mỏng, giống như quả bóng kết nối với khoang cơ thể và nhiều xương. Ở Dolly, xương phát triển bất thường ở đoạn nối giữa mô hô hấp và xương ở ba đốt sống, bằng chứng cho thấy nhiễm trùng đã lan rộng từ phổi.

Trong khi đó, đồng tác giả Lawrence Witmer của Đại học Ohio, nhận định Dolly đã mắc bệnh mạn tính vì việc xương phát triển bất thường do nó bị bệnh trong thời gian dài. Mặc dù vậy, khó có thể khẳng định Dolly chết do bệnh tật.

Không ít trường hợp động vật mắc bệnh trở thành nạn nhân của thú ăn thịt hoặc chết đói do suy nhược. Trước đó, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy hóa thạch của khủng long Allosaurus, loài động vật săn mồi hung dữ, tại địa điểm trên.

Hóa thạch của Dolly đã được phát lộ vào năm 1990 và trong giai đoạn 2013-2015. Con khủng long này dường như có liên quan mật thiết đến loài khủng long Diplodocus. Tên khoa học của Dolly sẽ được công bố trong nghiên cứu sau này.

Tình trạng của Dolly không chỉ hé lộ về điều kiện sức khỏe của động vật trong lịch sử, mà còn cung cấp thêm thông tin về cấu trúc giải phẫu của phổi và túi khí của loài khủng long.

Theo Đặng Ánh/Vietnam+

Đọc thêm

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.