Hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản và quốc phòng, an ninh

(Baohatinh.vn) - Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ gồm ĐBQH các tỉnh: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Tĩnh.

Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản và quốc phòng, an ninh

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu khẳng định, việc xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản và quốc phòng, an ninh

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu.

Các đại biểu đề nghị đánh giá tính khả thi và quy định rõ việc hình thành quỹ chuyên biệt cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao; rà soát các chính sách liên quan đến tài chính, thành lập quỹ; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia; làm rõ trách nhiệm, cách thức xử lý khi các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ. Cùng đó, quy định cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt được tự chủ xây dựng quy trình từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất và thương mại hóa sản phẩm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh khẳng định việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống.

Về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn; ban hành các quy định riêng về đấu thầu đối với mặt hàng công nghiệp quốc phòng, an ninh; có chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc thù, đột phá để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tập trung ưu tiên đối với doanh nghiệp an ninh nòng cốt; tạo đột phá trong giao nhiệm vụ cho từng địa phương, quân khu trong xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp; hình thành cơ quan quản lý nhà nước để điều phối hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Kịp thời ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường

Thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật; quy định tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê cụ thể, tránh trùng lặp, chồng chéo, khó dự liệu hết tài sản mới phát sinh; quy định trách nhiệm xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá thuộc cơ quan đủ thẩm quyền, năng lực chuyên môn; quy định hồ sơ đánh giá năng lực đảm bảo lựa chọn người tham gia đấu giá tài sản đủ điều kiện về tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm.

Hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản và quốc phòng, an ninh

Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu.

Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp về việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong đấu giá tài sản; xã hội hóa về Cổng Đấu giá tài sản quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp, tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch và chất lượng dịch vụ; thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản đáp ứng điều kiện kinh doanh; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; việc xử lý vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản; việc chuyển nhượng quyền trúng đấu giá.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hoàng Trung Dũng và các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh cũng đã đề nghị quy định rõ cơ sở xác định trường hợp áp dụng hình thức bỏ phiếu đấu giá trực tiếp, gián tiếp hoặc kết hợp hình thức đấu giá trực tiếp và gián tiếp; trình tự, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, khả thi; nghĩa vụ của doanh nghiệp đấu giá tài sản đối với cơ quan thuế. Quy định rõ trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm; điều chỉnh hợp lý biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa; nội hàm của biện pháp nộp tiền đặt trước. Bổ sung quy định liên quan đến việc hoãn, dừng cuộc đấu giá.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.