Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Sông có nguồn mới có nước”

Thống kê cho thấy, trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ các dân tộc dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2. Ảnh tư liệu

Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”.

Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng, có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, những chuẩn mực đạo đức cách mạng chung nhất của người cách mạng trong quan hệ với nhân dân bao gồm những điểm sau: trung thực, kính trọng, lễ phép.

Trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân theo Hồ Chí Minh dạy không chỉ là thái độ trong giao tiếp, mà còn là nội dung tư tưởng sâu sắc, xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Trung thực, theo tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện là lời nói luôn đi đôi với việc làm, trong công việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư. Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.

Theo Hồ Chí Minh, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương.

Kính trọng, lễ phép với nhân dân là tận tụy phục vụ vô điều kiện nhân dân lao động, không phân biệt già trẻ, sang hèn, địa vị cao, thấp, giá trị kinh tế lớn hay nhỏ. Không được phép vụ lợi, thiếu công tâm, thiếu khách quan, thiên lệch trong công việc. Phải đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống, nắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giải quyết thích hợp hoặc đề nghị cấp trên, cơ quan có thẩm quyển giải quyết. Người cán bộ không được phép né tránh, bàng quan, vô trách nhiệm, bao che, để dây dưa kéo dài; sách nhiễu, ăn hối lộ trước những yêu cầu của dân. Đồng thời, người cán bộ cũng phải giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, nắm vững pháp luật để phục vụ nhân dân có hiệu quả. Kính trọng, lễ phép với nhân dân còn là tôn trọng và cương quyết bảo vệ mọi thành quả cách mạng mà nhân dân giành được, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm minh kỷ cương pháp luật, kính trọng trong quan hệ với mọi người khi làm việc, tôn trọng truyền thống tốt đẹp và phong tục tập quán lành mạnh của nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân là biết dựa vào dân, tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người cán bộ phải biết kính trọng người già, quý mến trẻ em, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Trong xưng hô phải lễ phép, lắng nghe ý kiến của dân, không quát tháo, đe nẹt, dọa nạt nhân dân. Không được lạnh nhạt, trịch thượng, quan cách, hách dịch, ban ơn, coi thường, trù úm dân.

Trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân chính là người cán bộ đã tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, giúp cho các tầng lớp nhân dân có điều kiện yên tâm sản xuất, sinh sống, lao động sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Mặt khác, bản thân người cán bộ cũng phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, tiếp thu những kiến thức khoa học, được trang bị máy móc, công nghệ, phương tiện hiện đại trong công tác.

Trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân còn gắn liền với lý luận và thực tiễn của vấn đề dân chủ. Nền dân chủ của chế độ ta là nền dân chủ của nhân dân lao động, nên một mặt, nó phải đảm bảo quyền lực cho nhân dân lao động, nhưng mặt khác, phải chuyên chính với những kẻ hoạt động đi ngược lại lợi ích của nhân dân, chống lại nền dân chủ đó. Chỉ khi quyền lực của nhân dân ta được đảm bảo thì chế độ chính trị của xã hội ta mới được tồn tại vững chắc. Thái độ kính trọng và lễ phép với nhân dân của người cán bộ không hề là thái độ mị dân, mà với lý luận dân chủ, đó là hành vi tôn trọng, vâng lời người có toàn bộ quyền lực - nhân dân lao động, đã đặt cả niềm tin tưởng của mình mà ủy quyền cho Đảng, Nhà nước.

Rèn luyện tính trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân

Theo Hồ Chí Minh, tư cách, đạo đức trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân của người cán bộ, từ phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng, đặt ra một số yêu cầu cụ thể sau đây:

Một là, mỗi người cán bộ phải luôn xác định được rõ ràng bổn phận của mình, đó là lòng trung thành để bảo vệ vững chắc Nhà nước của dân, do dân và vì dân; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi mưu toan của kẻ thù hòng xóa bỏ hoặc thay đổi về chất Nhà nước ta, từ Nhà nước của nhân dân lao động sang nhà nước của giai cấp áp bức, bóc lột nhân dân.

Hai là, họ phải góp phần nâng cao văn hóa, pháp luật cho nhân dân bằng cách tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân.

Ba là, trong mọi hoạt động, họ phải là tấm gương sáng trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ những yêu cầu cơ bản nêu trên, trong việc rèn luyện tính trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân cho người cán bộ, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm, những giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những giải pháp cần thiết rèn luyện tính trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dân là mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn học tập để nâng cao và thấm nhuần đạo đức cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận đối với mỗi đảng viên trong Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Người khẳng định: “Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: cần, kiệm, liêm, chính”(1) và sau này, Người còn nói, trong xã hội mới “ai cũng có thể vươn tới đỉnh cao của đạo đức cách mạng”(2).

Thứ hai, nâng cao dân trí, thực hiện và phát huy quyền dân chủ thực sự và rộng rãi, tăng cường mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, đây là nội dung quan trọng tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận đối với việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; có cơ chế khen thưởng những cá nhân, cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh, phê phán những hành động sai trái.

Thứ ba, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình gắn với sự gương mẫu của người đứng đầu, bởi theo Hồ Chí Minh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Sự tu dưỡng phải theo phương châm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(4). “Để tu dưỡng đạo đức xã hội chủ nghĩa, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Phải luôn luôn tự phê bình một cách thật thà, tự phê bình từ trên xuống dưới”(5). Đạo đức cách mạng không phải là phẩm chất tiên thiên mà như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(6).

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát cán bộ, đảng viên của các cơ quan nhà nước, thực hiện kỷ luật nghiêm minh của các tổ chức đảng. Theo Hồ Chí Minh, đây là giải pháp phải thực hiện thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, cũng như trong việc rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, công luận đối với việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, tổ chức đảng các cấp phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức”(7). Vì vậy, đảng ủy các cấp cần có nghị quyết lãnh đạo sát đúng và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát. Thông qua kiểm tra, giám sát, sẽ quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên; đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.

Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.347.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.558.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 1, tr.263.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.47.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.457.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.293.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.300.

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.