Hình ảnh minh họa về thiết bị không gian của con người sẽ tiếp cận và nghiên cứu "mặt trăng" Europa trong tương lai - Ảnh: NASA |
Thực sự là từ năm ngày qua, những người yêu khoa học và yêu thích tìm tòi về sự sống đã hồi hộp khi cơ quan NASA thẩy lên Twitter vài dòng ngắn gọn nhưng cực kỳ quan trọng: vào lúc 14g chiều 26-9, tức 1g sáng 27-9 (giờ VN), cơ quan nghiên cứu không gian uy tín này sẽ thông báo về một phát hiện quan trọng trên một trong những vệ tinh của Sao Mộc (Jupiter) là “Mặt trăng” Europa.
Để tránh các suy đoán, “chém gió”, cơ quan NASA cũng đã nói rõ rằng không có chuyện phát hiện người ngoài hành tinh hay gì cả!
Thông báo của NASA trên mạng xã hội về việc sẽ công bố phát hiện trên Europa - Ảnh chụp màn hình |
Lần gần nhất mà cơ quan NASA có kiểu thông báo khiến người ta trông chờ như lần này là lần thông báo về sự hiện diện của nước trên sao Hỏa.
Lần này, cảnh báo của NASA cũng không thể ngăn người ta đưa ra những giả thuyết khác nhau về những điều sắp được công bố và đương nhiên cũng không thể tránh được giả thuyết về những người ngoài hành tinh mắt tròn to, tai dài như con người vẫn thường tưởng tượng và thể hiện trên phim ảnh hay tranh vẽ.
Các chuyên gia về lĩnh vực thì phỏng đoán nghiêm túc rằng có thể thông báo của NASA sẽ liên quan đến việc phát hiện một đại dương lỏng bên dưới lớp vỏ băng dày 15 - 20 km đang bao phủ bề mặt hành tinh Europa.
Trước đây, NASA đã phát hiện thấy các dấu vết của nước trên bề mặt của Europa - vốn được xem là "mặt trăng" của sao Mộc. Vì khả năng có chứa nước mà các nhà khoa học tin rằng trên hành tinh này sẽ có sự sống.
Thực ra vào hồi tháng 5 vừa qua, một số thành viên của NASA cũng đã nóng lòng nên tiết lộ thông tin về sự hiện hữu của một đại dương thể lỏng trên Europa.
Đại dương ở thể lỏng dưới bề mặt băng của Europa là kết quả của quá trình tích nhiệt do thủy triều. Lực thủy triều làm cho phần bên trong của Europa ấm dần, cho phép đại dương nước lỏng tồn tại thay vì đông cứng.
NASA đang lên kế hoạch cho sứ mệnh thăm dò tới Europa vào khoảng năm 2020, với hi vọng xem xét thành phần cấu tạo đại dương, độ dày của lớp vỏ băng và địa chất học ở bề mặt vệ tinh.
Cho đến nay, những thông tin có được về Europa chủ yếu từ thông tin thu thập về của viễn vọng kính Hubble đang bay trên không gian
"Theo hiểu biết của chúng tôi, đại dương của Europa không phải là môi trường khắc nghiệt", ông Kevin Peter Hand nhận xét. Ông là nhà sinh học thiên văn kiêm phó trưởng nhóm phụ trách chương trình thám hiểm hệ Mặt Trời tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA.
Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu ở JPL công bố nghiên cứu cho thấy đại dương của Europa có thể giống Trái Đất về sự cân bằng năng lượng hóa học, cụ thể là tỷ lệ oxy và hydro, điều kiện hỗ trợ sự sống phát triển.
"Europa rất đặc biệt bởi khả năng có một lượng oxy dồi dào trong đại dương. Chúng tôi dự đoán lượng khí oxy cùng với hydro lớn và duy trì liên tục của Europa có thể cân bằng theo cách thức độc đáo trên những thiên thể băng đá thuộc hệ Mặt Trời. Vì lý do này, Europa có thể là nơi thuận lợi cho sự sống khởi nguồn và tiến hóa", nhóm tác giả nghiên cứu chia sẻ.
Hiện nay cũng đang có tàu dò Juno tập trung quan sát sao Mộc, nhưng sẽ có một tàu dò khác dành riêng cho Europa sẽ phóng lên không gian vào năm 2020.
Cơ quan không gian của châu Âu (ESA) cũng có kế hoạch đưa tàu dò mang tên Juice lên không gian vào năm 2022 để khám phá các hành tinh Ganymède, Europe và Callisto, là ba trong số bốn vệ tinh của sao Mộc.
Cần nhớ hồi tháng 3-2015, cơ quan NASA từng thông báo về sự hiện diện của vết nước trên bề mặt của vệ tinh Ganymède.
Các "mặt trăng" của sao Mộc được cho là có kích cỡ tương đương hành tinh của chúng ta. Theo dự đoán của cơ quan ESA, các hành tinh đó "có thể chứa những vùng có sự sống bên dưới lớp vỏ băng của chúng".
Nhưng hãy khoan nghĩ xa xôi hơn những phát hiện đã có như hiện nay, ví dụ về khả năng chuyển lên sống ở Europa. Hiện nhiệt độ ở bề mặt này đang là thử thách với con người: -150 độ C.
Sao Mộc là hành tinh thứ năm tính từ Mặt Trời và là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Nó là hành tinh khí khổng lồ với khối lượng bằng một phần ngàn của Mặt Trời nhưng bằng hai lần rưỡi tổng khối lượng của tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cộng lại. Khoảng cách trung bình giữa Sao Mộc và Mặt Trời là 778 triệu km (bằng 5,2 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời, hoặc 5,2 AU) và nó hoàn thành một vòng quỹ đạo bằng 11,86 năm Trái Đất. Bầu khí quyển có Sao Mộc khá giống với bầu khí quyển của Mặt Trời, được cấu tạo chủ yếu bởi Hidro và Heli. Và với 4 vệ tinh lớn cùng rất nhiều vệ tinh nhỏ quay xung quanh, Sao Mộc đã tự "xây dựng" nên một Hệ Mặt Trời thu nhỏ. Với kích thước to lớn của Sao Mộc, nó có thể chứa hơn 1.300 Trái Đất. |