Tham dự hội nghị, đầu cầu Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Hội nhập quốc tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới. Các thành tựu được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị với nội hàm chủ động hội nhập toàn diện trên 3 trụ cột: Chính trị - quốc phòng - an ninh; kinh tế; khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần XII (tháng 1/2016), Việt Nam tiếp tục xác định triển khai mạnh mẽ hội nhập quốc tế chủ động và tích cực.
KKT Vũng Áng trở thành "thỏi nam châm" hút các dự án FDI của Hà Tĩnh
Theo đó, BCĐ Quốc gia về Hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực KT-XH.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Việt Nam giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, tạo cơ hội mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là, ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, CPTPP, EVFTA...); tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (tháng 2/2019)…
Tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh ổn định nhờ có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài
Tại hội nghị, đại biểu đã nghe các tham luận, ý kiến đóng góp liên quan đến các vấn đề như: Tăng cường công tác đối ngoại Đảng; triển khai định hướng chiến lược hội nhập quốc tế trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội; cơ hội và thách thức của nông dân, doanh nghiệp trước hội nhập quốc tế…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự đúng đắn, tất yếu của chủ trương hội nhập, tự tin tiếp tục hội nhập quốc tế một cách sâu hơn, nhanh hơn và bền vững hơn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại tư duy hội nhập hạn chế; chưa khai thác tiềm năng của các lĩnh vực; hiệu quả cơ chế phối hợp chưa cao; sự tham gia của doanh nghiệp, người dân chưa có chuyển biến tích cực…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các cấp, ngành phải coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, nâng tầm tư tuy về hội nhập theo tinh thần đối ngoại đa phương nhằm hội nhập chủ động, vì sự phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: VGP
Thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến, trong đó có những thách thức từ sự tiến bộ nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của công nghệ… ; các loại tội phạm về an ninh chính trị diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị BCĐ về hội nhập quốc tế, các ngành, địa phương cân đối cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, thúc đẩy hội nhập chủ động; giữ vững ổn định kinh tế xã hội, hội nhập nhưng không hòa tan, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển KHCN, nắm bắt kịp thời để cạnh tranh và phát triển, đặt nền móng cho công nghệ cao, công nghệ số…
Đặt ra nhiệm vụ, chương trình hành động từng lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là nhiệm vụ của toàn dân. Các cấp, ngành phải coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, nâng tầm tư duy về hội nhập theo tinh thần đối ngoại đa phương phù hợp với tình hình mới. Hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm lực, phát triển quốc gia đạt nhiều thành tựu mới.