Hôm nay, Quốc hội bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch nước

Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để bầu Chủ tịch nước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15.

Quy trình bầu Chủ tịch nước bắt đầu vào cuối phiên làm việc chiều 21/5. Năm ngày trước, Trung ương "thống nhất rất cao" giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại Hội nghị lần thứ 9, Trung ương chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an nên Quốc hội chưa có phê chuẩn hay miễn nhiệm chức danh này tại kỳ họp 7.

Đại tướng Tô Lâm 67 tuổi, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; Đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15. Ông bắt đầu sự nghiệp ở Cục Bảo vệ chính trị I rồi làm Cục phó Bảo vệ chính trị I, Cục trưởng Bảo vệ chính trị III, Tổng cục An ninh.

Ông sau đó làm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an từ tháng 4/2016 đến nay. Ông Tô Lâm cũng là Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội, tháng 11/2023. Ảnh: Media Quốc hội
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội, tháng 11/2023. Ảnh: Media Quốc hội

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Theo chương trình nghị sự, sáng cùng ngày, các đại biểu sẽ nghe báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và thảo luận ở hội trường. Sau đó cơ quan soạn thảo và thẩm tra làm rõ các nội dung liên quan.

Báo cáo giải trình cho thấy có ý kiến đề nghị đánh giá tác động của quy định thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện; đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ, làm rõ hai phí này có sự trùng nhau không.

Đối với quy định phí sử dụng đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường do nhà nước đầu tư. Những cao tốc này đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người dân có quyền lựa chọn sử dụng.

Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện. Trong khi đó, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc. Việc thu phí này không dẫn đến phí chồng phí. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Có ý kiến đề nghị định nghĩa lại đường cao tốc tối thiểu phải có 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp. Thường vụ Quốc hội cho rằng do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm đảm bảo kết nối, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số khó khăn. Từ năm 2023, Thủ tướng chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe, song định hướng khó thực hiện do không thể cân đối đủ nguồn vốn. Vì vậy, việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc đã được quy định tại dự thảo Luật Chính phủ trình. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai.

Quốc hội dự kiến thông qua dự luật này vào ngày 26/6.

vnexpress.net

Đọc thêm

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Sáng 19/4, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp tổ chức lễ khởi công, khánh thành đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn. Điểm cầu Hà Tĩnh diễn ra ở nút giao QL8A (Km479+300) thuộc xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ với lễ thông xe tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm yêu cầu quá trình hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã cần bám sát yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thận trọng, có chọn lọc, phù hợp thực tiễn; đảm bảo hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, mở rộng không gian phát triển...
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố ở Hà Tĩnh có vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các chủ trương, chính sách đến với Nhân dân. Dù vậy, bên cạnh những cán bộ năng nổ, nhiệt tình cũng còn không ít bất cập, nhất là chất lượng của một số cán bộ thôn, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu.
Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.