Cẩm Xuyên xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 17/5, đến nay đã có 313 hộ tại 24 xã, thị trấn có lợn chết do mắc bệnh, nghi mắc bệnh tả lợn châu Phi (TLCP). Tổng số lợn phải tiêu hủy tính đến nay là trên 1.691 con. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch nên đến nay, Cẩm Xuyên đã có 5 xã, thị trấn công bố hết dịch.
Số lượng lớn chết do dịch TLCP sau mưa lũ tại Cẩm Xuyên tăng nhanh
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lê Ngọc Hà, từ sau, đợt mưa lũ vừa qua (từ sau ngày 5/9 cho đến nay), diễn biến dịch tả lợn châu Phi khá phức tạp, nhiều xã bùng phát dịch với tốc độ nhanh, số lợn bị nhiễm dịch phải tiêu hủy tăng rất mạnh. Dịch xảy ra ở hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Có 40 trang trại, chiếm gần 1/3 tổng đàn toàn huyện, nhờ áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp phòng dịch nên hiện đang an toàn.
Theo báo cáo, từ sau mưa lũ đến nay, ở Cẩm Xuyên có 9 xã diễn biến dịch hết sức phức tạp, tốc độ bùng phát dịch rất nhanh gồm: Cẩm Bình, Cẩm Yên, Cẩm Nam, Cẩm Thành, Cẩm Dương, Cẩm Phúc, Cẩm Quan, Cẩm Thăng, Cẩm Hòa.
Đây là những xã chủ yếu nằm trên tuyến trục tiêu 19/5, có tổng đàn chiếm hơn 40% tổng đàn toàn huyện, số lượng hộ chăn nuôi chiếm hơn 50% toàn huyện nên việc bùng phát dịch nhanh là hết sức nguy hiểm.
Các hộ nuôi tiến hành tiêu hủy lợn chết theo đúng quy định.
Số lượng lợn tiêu hủy trong hơn 20 ngày gần đây của 9 xã là 454 con, chiếm gần 27% tổng số lợn bị tiêu hủy của toàn huyện trong 5 tháng có dịch. Trong đó, nhiều xã có số tiêu hủy tăng vọt so với trước mưa lũ như: Cẩm Nam, Cẩm Phúc, Cẩm Thăng, Cẩm Hòa.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng Nguyễn Văn Báu cho biết: "Nếu thời tiết tiếp tục mưa, độ ẩm cao thì nguy cơ dịch lan rộng là rất lớn. Hiện nay, xã đang tiến hành ra quân tổng vệ sinh môi trường 7/7 thôn, đồng thời tiến hành phun hóa chất.
Đặc biệt, địa phương tiến hành khảo sát lại tổng đàn và yêu cầu các hộ nuôi ký cam kết không tăng đàn trong thời điểm hiện nay. Nếu hộ nào vi phạm để bùng phát dịch sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường
Theo nhận định của các phòng chuyên môn huyện Cẩm Xuyên, mưa lũ làm ngập các điểm đã chôn lấp lợn bị bệnh khiến mầm bệnh phát tán nhanh. Đồng thời, do mưa lũ nên công tác tiêu độc khử trùng tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một số địa phương có tâm lý chủ quan, thiếu quyết liệt nên việc quản lý đàn lợn trên địa bàn còn hạn chế, để xảy ra tình trạng nhập đàn dù chưa hết dịch.
Thiết lập lại các chốt kiểm soát trọng điểm
Theo đại diện lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, để hạn chế DTLCP bùng phát, cần tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức cho người dân.
Các địa phương cần phải rà soát, ký cam kết không tăng đàn đối với các hộ chăn nuôi khi chưa công bố hết dịch; giám sát việc tiêu độc khử trùng đến 100% hộ chăn nuôi và phát động đợt tiêu độc khử trùng tại tất cả các xã; chấm dứt triệt để giết mổ trong các khu dân cư, lập lại các chốt trọng điểm để kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc, thức ăn gia súc trên địa bàn.