Hơn 300 cơ sở SXKD khí dầu mỏ hóa lỏng ở Hà Tĩnh chưa được cấp phép!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, hoạt động sản xuất, chiết nạp, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra sôi động với 6 kho chứa LPG lỏng trong bồn, 6 trạm nạp LPG vào chai, trên 1.000 cửa hàng kinh doanh LPG...

Hoạt động sản xuất, chiết nạp, kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra sôi động. Ảnh: Bá Tân

Chủng loại LPG phong phú và đa dạng với các nhãn hiệu như: Petronas, Petrovietnam, Daihaipetro (DHP Gas), Gia Định, Saigon Petro… có trọng lượng các loại thông thường là: Bình mini 250g, bình 12 kg, 13 kg và 45 kg.

Trong quá trình quản lý, cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mặt hàng xăng dầu, gas không bảo đảm chất lượng. Theo đó, lực lượng QLTT đã có nhiều biện pháp để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh mặt hàng này.

Tính từ tháng 10/2017 – 1/2019, lực lượng QLTT đã xử lý 12 vụ vi phạm; phạt hành chính 210 triệu đồng; tịch thu 2.393 chai LPG có tổng giá trị gần 304 triệu đồng, 110 chai LPG mini có giá trị 3,5 triệu đồng; đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với 3 cơ sở không đủ điều kiện.

Hoạt động kinh doanh LPG vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các doanh nghiệp cạnh tranh để tranh giành thị phần bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khó lường.

Điển hình như ngày 26/10/2018, Cục QLTT Hà Tĩnh đã phát hiện, lập hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Đình Linh (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên) về hành vi “Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi, lưu giữ chai LPG không thuộc quyền sỡ hữu”; phạt hành chính 35 triệu đồng, tịch thu 2.153 chai LPG vi phạm.

Đồng thời, qua rà soát được trên 1.000 cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn thì có hơn 300 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Các Đội QLTT đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tổng thể điều kiện hoạt động kinh doanh của từng cơ sở, đối chiếu với quy hoạch của tỉnh, quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh LPG; nhất là Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6223:2011 về cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng.

Cục QLTT phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng.

Hoạt động kinh doanh LPG vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các doanh nghiệp cạnh tranh để tranh giành thị phần bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khó lường. Các hành vi vi phạm thường xẩy ra như: Ký hợp đồng bán LPG chai với thương nhân kinh doanh LPG vượt quá số lượng quy định; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; mua bán, vận chuyển, trao đổi, lưu giữ các loại chai LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký; nạp LPG vào chai LPG không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông…

Một số cơ sở kinh doanh LPG sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện về kho chứa theo quy định.

Tiến hành các biện pháp kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, ông Nguyễn Cự Dũng – Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian tới, Cục QLTT sẽ yêu cầu các Đội QLTT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ kinh doanh nắm vững các quy định của pháp luật; tiến hành ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng này.

Đồng thời, theo dõi sự biến động của thị trường, kết hợp với các ngành chức năng khác để có các biện pháp kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm, qua đó, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của ngành hàng khí dầu mỏ hóa lỏng; bảo vệ quyền lợi, an toàn của người tiêu dùng.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói