Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Hội cần duy trì nền nếp hoạt động để phát huy vai trò là tổ chức nhân đạo, hướng mạnh về đối tượng người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 292 hội cơ sở, trong đó, có 262 đơn vị xã, phường, thị trấn, 1 đơn vị trực thuộc, 29 cơ sở hội trong khối THPT; 100% trường tiểu học, THCS có tổ chức hội; có 135 chủ tịch hội chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn; 29 cán bộ chuyên trách cấp huyện hội, 12 cán bộ hội cấp tỉnh; 93.430 hội viên, hơn 129.260 thanh thiếu niên, 9.897 tình nguyện viên và gần 770 đội thanh niên CTĐ xung kích, hoạt động tại cơ sở.
6 tháng đầu năm, Tỉnh hội đã phát động các phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Theo đó, tết Đinh Dậu 2017, toàn tỉnh đã kêu gọi, vận động hơn 500 tổ chức, cá nhân, trên 460 doanh nghiệp trao hơn 64.000 suất quà, hàng hóa trị giá gần 22,4 tỷ đồng; tiến hành hỗ trợ 45 con bò trị giá gần 750 triệu đồng do Hội CTĐ Singapore tài trợ cho các hộ nghèo bị ảnh hưởng mưa lũ ở Kỳ Anh…
Ông Lê Viết Ngụ - Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh: Cơ sở vật chất, nguồn lực hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt của hội
Phong trào hiến máu tình nguyện thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. 14 đợt hiến máu đã được thực hiện, thu về 2.963 đơn vị máu, đạt 50,5% chỉ tiêu cả năm. Cùng với đó, Tỉnh hội phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức 9 đợt khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 3.000 đối tượng, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng…
Ông Lương Hữu Lần - Chủ tịch Hội CTĐ Can Lộc: Mặc dù làm tốt công tác cứu trợ xã hội nhưng cứu trợ khẩn cấp thì vòn nhiều hạn chế, cần học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn.
Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận góp ý quy chế hoạt động của hội. Nhiều đại biểu cho rằng, xã, phường, thị trấn là cấp tập trung nguồn lực, đối tượng của công tác hội CTĐ, trong khi nguồn nhân lực, tài chính không đảm bảo, cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm nên không phát huy được vai trò nòng cốt ở cơ sở, cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Hoạt động của các cụm thi đua cơ sở chưa thống nhất, hiệu quả không như mong muốn. Do đó, các đại biểu đề xuất việc nên hay không tiếp tục duy trì hoạt động này.
Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là chủ trương sáp nhập các tổ chức hội. Theo các đại biểu, với tính chất đặc thù của một hội nhân đạo xã hội, nếu sáp nhập sẽ khó khăn trong quá trình hoạt động; đồng thời, đề nghị được mở rộng quan hệ đối ngoại để tăng cường nguồn lực và phát huy hiệu quả.
Ông Trần Minh Dũng - Chủ tich Hội CTĐ Hương Khê: Cần tập trung nguồn lưc cho cán bộ hội cơ sở để bộ phận này thực hiện vai trò là cánh tay nối dài của Tỉnh hội.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Hội tập trung phối hợp chặt chẽ các cơ quan, ban, ngành duy trì các phong trào vì người nghèo, hiến máu nhân đạo; thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ nước sạch, cứu trợ thiên tai; tiếp tục thành lập các hội CTĐ tại các cơ quan, trường học…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh, hội cần duy trì nền nếp hoạt động để phát huy vai trò là tổ chức nhân đạo, hướng mạnh về đối tượng người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Về vấn đề sáp nhập hội ở cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tỉnh hội không can thiệp sâu mà tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương. Việc mở rộng các chi hội, hoạt động hội phải thiết thực, có ý nghĩa, không tiến hành tràn lan; mở rộng đến đâu, chắc chắn, hiệu quả đến đó.
Đối với những đề xuất liên quan đến nguồn nhân lực, chế độ, chính sách cho cán bộ, đề nghị Thường trực Hội CTĐ rà soát lại xem chỗ nào chưa đúng quy định thì báo cáo Sở Nội vụ để kiểm tra, giải quyết theo đúng quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn lưu ý, nguồn lực huy động được phải sử dụng đúng mục đích, đối tượng, có cơ chế quản lý chặt chẽ để phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động.