Những tấm huy chương giành được sau mỗi kỳ thi đấu, Sơn đều dành tặng cho bố mẹ
“Nhiều năm rồi, tết năm nay em rất vui vì được đón tết và ở nhà với gia đình lâu nhất, đến những 10 ngày…”. Không nói về niềm vui đoạt thành tích cao tại SEA Game 30 của bản thân, VĐV điền kinh Việt Nam Trần Đình Sơn phấn khởi chia sẻ với chúng tôi như thế trong lần đầu gặp gỡ trước thềm xuân mới.
Còn nói về thành tích tại SEA Game 30 tại Philippine, Sơn cho biết: “Mặc dù không quá bất ngờ, nhưng ngay cả đến bây giờ em vẫn đang cảm thấy như mơ, vẫn hiện hữu sự lo lắng, hồi hộp, rồi vỡ òa sung sướng với những bước chạy cuối cùng khi cán đích.
Bởi khác với các giải đấu trong nước, tại đấu trường khu vực đầy sự cạnh tranh, nhiều đối thủ có tầm, lạ lẫm, cộng với tâm lý thi đấu vì màu cờ sắc áo… nên việc chiếm lĩnh được đỉnh vinh quang của nội dung thi đấu là cả một kỳ tích”.
Những bước chân cuối cùng quyết định cho tấm HCV SEA Game 30 của Việt Nam, nội dung chạy tiếp sức nam nữ phối hợp 4x400m trên SVĐ chính tại tổ hợp thể thao New Clark City - Philippine
Một kỳ thi đấu với thành tích ngoài mong đợi của VĐV trẻ người Hà Tĩnh Trần Đình Sơn: Hoàn thành xuất sắc các nội dung thi đấu tại SEA Games 30, mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 2 tấm HCV gồm 1 HCV nội dung chạy tiếp sức nam nữ phối hợp 4x400m, 1 HCV nội dung tiếp sức nam phối hợp 4x400m và 1 HCB nội dung cá nhân nam 400m.
Trong các thành tích đạt được, theo Sơn, dấu ấn lớn nhất là việc đoạt tấm HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại SEA Game 30. Ngoài nỗ lực cao nhất của các thành viên trong đội, thì tại nội dung này yếu tố chiến thuật đã góp phần rất lớn cho thành công.
Giây phút đăng quang đầy hạnh phúc của Trần Đình Sơn (thứ hai từ trái sang) và các thành viên trong đội
Cùng với 4 thành viên, Sơn được giao trọng trách chạy vòng cuối cùng - chặng nước rút. Từ chỗ “chậm chân” tại vòng thi đấu đầu tiên, đội Việt Nam đã sớm lội ngược dòng và cán đích đầu tiên với thành tích 3 phút 19,50 giây, nhanh hơn đội về nhì Thái Lan đến gần 7 giây.
“Với em, đây là một trong những bước chuyển quan trọng trong hành trình phấn đấu, rèn luyện của bản thân nhằm chiếm lĩnh những đỉnh cao mới; là món quà dành cho cha mẹ, thầy cô, Ban huấn luyện và người hâm mộ nước nhà…” - Sơn xúc động bày tỏ.
Bảng thành tích đáng nể của Trần Đinh Sơn sau gần 5 năm trở thành VĐV chuyên nghiệp
Ngược về những ngày đầu khi tài năng của “hạt giống đỏ” Trần Đình Sơn bắt đầu nảy nở cũng như hành trình trở thành VĐV điền kinh chuyên nghiệp, mẹ của Sơn - chị Nguyễn Thị Hằng cho biết: Năm 2014, khi đang học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu, huyện Kỳ Anh, mặc dù khá “nhỏ con” nhưng Sơn bắt đầu bộc lộ khả năng chạy của mình qua các hội khỏe Phù Đổng do nhà trường tổ chức. Đặc biệt cũng trong năm này, Sơn tham gia giải Vô địch điền kinh các lứa tuổi và đoạt 2/5 HCV toàn tỉnh.
Người em trai của Sơn cũng bộc lộ khả năng thể thao từ sớm và đang mơ ước được trở thành VĐV điền kinh chuyên nghiệp như anh trai
Được thầy cô, bố mẹ động viên, từ đây, Trần Đình Sơn vừa học vừa tham gia luyện tập tại đội tuyển điền kinh của tỉnh, rồi đội tuyển điền kinh quốc gia với bảng thành tích ngày một dày thêm.
Chỉ trong 3 năm (2015 - 2017), trong màu áo đội tuyển điền kinh Việt Nam, Sơn đã giành hàng chục huy chương các loại, trong đó có HCV tại Giải Điền kinh mở rộng Malaysia năm 2017; HCV tại Giải Điền kinh quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam mở rộng 2018, HCV Giải Điền kinh Thái Lan mở rộng năm 2018...
Tại SEA Games 29 tổ chức tại Malaysia, Trần Đình Sơn không đạt được mục tiêu của mình khi giành duy nhất một tấm huy chương bạc ở nội dung 400m nam. Mặc dù thành tích không đạt được như mong đợi nhưng đây lại là động lực không nhỏ để Sơn miệt mài luyện tập và đạt thành tích cao tại SEA Games 30.
Giờ phút thư giãn quý giá của VĐV Trần Đình Sơn bên gia đình trong những ngày đón Tết
Giải thích cho việc tết Nguyên đán năm nay được nghỉ dài ngày hơn so với các kỳ nghỉ tết trước, Sơn cho rằng, đây có thể là một trong những phần thưởng của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam dành cho các VĐV sau một giải đấu lớn đầy nỗ lực và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.
Đồng thời đây cũng là dịp “xả hơi” để ngay sau kỳ nghỉ tết (mồng 6 tháng giêng Canh Tý), toàn đội lại tiếp tục tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia (Hà Nội), chuẩn bị cho đợt luyện tập cao điểm tranh suất (16 đội) vào thi đấu tại Đại hội Thể thao Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản) vào cuối năm nay.