Đại tá Lê Văn Sao – Giám đốc Công an Hà Tĩnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 – CT/TW về công tác phòng chống tội phạm, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt các loại tội phạm nguy hiểm có xu hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh đa cấp, môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người dân và hủy hoại môi trường.
6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc xảy ra 26.833 vụ phạm tội hình sự. Lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 21.055 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá 1.061 băng, ổ nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú và thanh loại 3.338 đối tượng, trong đó có 1.050 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Viện kiểm sát các cấp thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra 53.007 vụ/81.2014 bị can. Toàn ngành TAND, TAQS các cấp đã thụ lý 45.844 vụ, với 79.352 bị cáo...
Về kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, trong 6 tháng, toàn quốc xảy ra 174 vụ với 323 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân; 148 vụ mua bán phụ nữ ra nước ngoài, tình trạng lừa bán trẻ em sang Trung Quốc diễn biến phức tạp. VKS các cấp truy tố 72 vụ/136 bị can về tội mua bán người; 18 vụ/45 bị can về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. TAND các cấp đã thụ lý 97 vụ, 182 bị cáo mua bán người.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác nắm và dự báo tình hình còn yếu nên chưa chủ động trong việc đề ra các phương án, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, nhất là với loại tội phạm có tổ chức, tội phạm lưu động, các băng nhóm; việc điều tra xử lý các loại tội phạm cấp cơ sở còn xảy ra sai sót. Công tác truyền thông còn dàn trải; quản lý nhà nước, quản lý xã hội còn nhiều sơ hở, bất cập để tội phạm lợi dụng hoạt động…
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm.
Ảnh: VGP News
Để chủ động phòng ngừa, đối phó với các loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cần xác định việc quán triệt công tác phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài và cần huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, toàn dân tham gia.
Ban chỉ đạo 138/CP các bộ, ngành, địa phương cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; Chương trình phòng chống mua bán người…
Rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến các cấp, ngành và người dân; triển khai kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm kịp thời trao đổi thông tin, điều tra bắt giữ, chuyển giao tội phạm.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an đã công bố các quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 và Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống mua bán người 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng tại hội nghị, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm 138/CP được kiện toàn. Ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình làm trưởng, dưới đó có 38 thành viên.