Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị
Theo báo cáo, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước. Đến ngày 15/5/2019, dịch đang xảy ra tại 2.337 xã, 208 huyện của 30 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy gần 1,3 triệu con, gây thất thoát lớn cho hoạt động chăn nuôi tại các địa phương.
Mới đây, DTLCP ở Hà Tĩnh được phát hiện trên đàn lợn 55 con của hộ ông Đặng Văn Đoàn ở tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên. Đặc biệt, ổ dịch này được phát hiện chỉ cách 2 trang trại chăn nuôi lợn có có quy mô 2.000 con gần 200m.
Ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn của hộ ông Đặng Văn Đoàn
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhiễm, bùng phát diện rộng trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay đang ở mức rất cao do công tác phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, trong khi một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan với ảnh hưởng, tác động tiêu cực của DTLCP.
Qua kiểm tra thực tế, đối với các gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các biện pháp an toàn sinh học chưa đồng bộ. Một số cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn còn tồn đọng con giống khá nhiều, không chủ động giảm đàn, gây áp lực phát sinh dịch bệnh lớn.
Đại biểu tập trung nắm rõ tình hình, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn
Việc kiểm soát mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nội huyện, nội tỉnh gặp nhiều khó khăn; điều kiện cơ sở vật chất tại các trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, công tác giám sát, báo cáo dịch bệnh trong nhân dân, địa phương còn chậm. Khi lợn xuất hiện dấu hiệu bệnh, người dân thường tự ý đi mua thuốc thú ý chữa trị; sau khi lợn chết huyện mới nhận được thông tin, báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp kiểm tra, xử lý.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: “DTLCP nhiều khả năng sẽ tiếp tục lan ra diện rộng do đặc thù chăn nuôi của tỉnh; bởi con đường lan truyền bệnh đa dạng, rất khó khăn trong việc kiểm soát. Vì vậy, đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, kinh phí triển khai các biện pháp cấp bách để vừa phòng ngừa, khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn”.
Đối với các huyện đã xuất hiện bệnh, tiêu hủy triệt để gia súc trong ổ dịch; công bố dịch theo quy định; triển khai thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch ở động vật; tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực có dịch; xây dựng các phương án hỗ trợ tiêu hủy kịp thời...
Với các địa phương chưa có dịch, cần thông tin tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân biết về tình hình DTLCP; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, nhất là khâu buôn bán, giết mổ gia súc; nắm chắc tình hình để ứng phó kịp thời khi có lợn ốm, lợn chết...
Tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn cùng với hộ chăn nuôi sử dụng các biện pháp phòng chống dịch.
Tất cả các địa phương, đặc biệt là huyện Cẩm Xuyển khẩn trương rà soát tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có bệnh dịch người dân tự ý điều trị mà chính quyền và cơ quan chuyên môn không nắm được.
Tại huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn tiếp tục duy trì hoạt động của chốt kiểm dịch trên các trục đường giáp với tỉnh Nghệ An để ngăn chặn việc vận chuyển động vật không đảm bảo vào địa bàn; các địa phương khác xem xét việc lập chốt tại các xã gần vùng đã xuất hiện dịch, có mật độ chăn nuôi lớn, nguy cơ cao….
Cùng với đó, kịp thời trích kinh phí từ ngân sách địa phương sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch xảy ra; đồng thời, có phương án chủ động quỹ đất sử dụng tiêu hủy, nhất là trường hợp số lượng lợn phải tiêu hủy lớn.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các thành viên BCĐ phòng chống bệnh DTLCP và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần cao nhất.