Kết quả thực hiện các phong trào thi đua do Chính phủ phát động

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đã triển khai tích cực, sáng tạo, hiệu quả các phong trào thi đua do Chính phủ phát động, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Sau khi BCH Trung ương ra chỉ thị, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua trên cả nước. Lời kêu gọi đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta.

- Phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM"

BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM”; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án, kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM” giai đoạn 2021-2025; ban hành quy định và hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh...

Hà Tĩnh được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước giai đoạn 2021-2025.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM với các nội dung trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các xã chưa đạt chuẩn để nâng tỷ lệ các xã đạt chuẩn lên 100%; nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn để trở thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 177/181 xã đạt chuẩn, 50 xã đạt chuẩn nâng cao, 7 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Kết quả năm 2021 và năm 2022, có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 3 huyện đạt chuẩn NTM. Chương trình OCOP tiếp tục đạt nhiều kết quả, công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tăng cường, một số sản phẩm tiếp tục có đơn hàng xuất khẩu.

- Phong trào thi đua “Hà Tĩnh vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị, địa phương đã căn cứ vào thực tiễn xây dựng nội dung, chỉ tiêu cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của tỉnh trong năm 2021, 2022 và những năm tiếp theo; tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách về giảm nghèo của Chính phủ, đồng thời ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương nhằm góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện và đã có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác giảm nghèo, các chính sách về giảm nghèo được triển khai gắn với phát triển KT-XH, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Các chính sách về hỗ trợ BHYT, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội được triển khai kịp thời, góp phần quan trọng hỗ trợ thoát nghèo bền vững, hạn chế tối đa nguy cơ tái nghèo. Đến nay, tỉnh không có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Kết quả điều tra tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới năm 2022 là 3,79%, hộ cận nghèo là 4,04%. Chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ năm 2020 đến nay, đã huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng 55 nhà văn hóa cộng đồng và hỗ trợ xây dựng mới 5.668 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai. Quỹ “Vì người nghèo” và hoạt động an sinh xã hội, vận động được trên 75 tỷ đồng hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở, phát triển sản xuất, trao tặng quà, khám chữa bệnh và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó...

- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa tiếp tục được ban chỉ đạo các cấp, trong đó vai trò nòng cốt là Ủy ban MTTQ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện. Từ đó góp phần tích cực trong ổn định đời sống cho các tầng lớp nhân dân; kinh tế chính trị được giữ vững, QP-AN đảm bảo. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong học tập, lao động, sáng tạo, từ thiện, nhân đạo được vinh danh và lan tỏa trong cộng đồng.

Việc xây dựng các danh hiệu văn hóa được các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm. Các địa phương đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn đăng kí, thực hiện việc kiểm tra, bình xét các danh hiệu văn hóa đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy định. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 347.962/374.261 gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 92,9%); 1.894/1.937 thôn, tổ dân phố văn hóa (tỷ lệ 97,8%); 976/1.484 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 65,7%);15/33 phường đạt chuẩn văn minh đô thị (tỷ lệ 45,4%); 97/182 xã đạt chuẩn văn hóa NTM (tỷ lệ 53,2%). Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 38%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 27,9%.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được hoàn thiện. Cuối năm 2022, toàn tỉnh có 201/216 nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn (đạt 93%), 1.831/1.937 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn (đạt 94,5%), 1.677/1.937 khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt 86,6%).

- Phong trào “DN Hà Tĩnh hội nhập và phát triển" tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 08/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động DN đến năm 2025 và những năm tiếp theo; triển khai kịp thời các nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia kết hợp với chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng thực sự trở thành Khu Kinh tế đa chức năng. Trong đó, phát triển dịch vụ cảng biển và logistics trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục hành chính liên quan DN. Tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt 99,5%. Công tác đấu thầu được kiểm soát chặt chẽ, hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng cho các gói thầu theo đúng quy định, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, công khai và minh bạch, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị tham dự thầu. Năm 2021, thu hút 52 dự án đầu tư, trong đó: 51 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Khánh thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và Xuất khẩu An Việt Phát với tổng mức gần 1.300 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng. Khởi công dự án Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Sản xuất Cell Pin. Thành lập mới hơn 1.000 DN với tổng vốn đăng ký gần 13.000 tỷ đồng (tăng 72% về số vốn so với năm 2020); 5.401 hộ kinh doanh, 62 hợp tác xã. Tỉnh đã tổ chức xét chọn và tôn vinh 22 “DN Hà Tĩnh tiêu biểu”; 21 “Doanh nhân Hà Tĩnh tiêu biểu” giai đoạn 2019-2021.

Năm 2022, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD. Kết nối, xúc tiến dự án với các nhà đầu tư lớn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục đầu tư, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 22/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh; thành lập mới hơn 1.300 DN với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng (số lượng thành lập mới DN cao nhất từ trước đến nay); hỗ trợ đào tạo trên 1.000 lượt người về quản trị DN và khởi sự DN. Có trên 400 DN tái gia nhập thị trường, tăng hơn 18% so với năm trước.

- Phong trào “Cả tỉnh chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19”

Phong trào thi đua đã thực sự huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt phát huy tốt vai trò tổ dân phố, thôn, xóm, tổ COVID cộng đồng, tổ liên gia cũng như lực lượng y tế, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ; chủ động trong việc đảm bảo vật tư, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị và năng lực trong điều trị, xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

Hà Tĩnh chủ động ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19.

Tỉnh đã huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, toàn tỉnh đã nhận được sự ủng hộ và đăng ký ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên 137,3 tỷ đồng (tiền và hiện vật). Tổng số tiền quỹ phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh là 62,864 tỷ đồng.

Để chia sẻ, giảm áp lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với cả nước nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tỉnh đã phát động quyên góp, ủng hộ kinh phí, nông sản, thiết bị y tế; hỗ trợ công dân Hà Tĩnh yên tâm ở lại các vùng dịch, chủ động đón sớm các công dân có nguyện vọng về quê; cử đoàn cán bộ y tế hỗ trợ các tỉnh Nghệ An, Bình Dương chống dịch... Toàn tỉnh đã vận động, tiếp nhận 1.310 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, trị giá 20,231 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã trích ngân sách 2 tỷ đồng để hỗ trợ Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đánh giá cấp độ dịch của các xã, phường, thị trấn duy trì cấp độ 1 (bình thường mới) và ổn định. Tiêm vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 được triển khai theo đúng kế hoạch. Tính đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện được 3.094.730 mũi tiêm, hoàn thành tiêm 2 mũi cơ bản ở nhóm từ 12 tuổi trở lên.

- Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức Hà Tĩnh thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hà Tĩnh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 bước đầu đạt nhiều kết quả và có sức lan tỏa. Phong trào đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa công sở, góp phần xây dựng môi trường làm việc văn hóa công sở văn minh, thân thiện, liêm chính.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp tích cực có sức lan tỏa lớn, gắn với trách nhiệm triển khai của từng ngành, từng đơn vị. Các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy với nội dung “Nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác xây dựng Đảng” đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tập trung chỉ đạo thực hiện; các tổ chức đoàn thể với việc “Đổi mới nội dung phương thức hoạt động của mặt trận và các tổ chức đoàn thể”; các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các DN có nhiều đề xuất, sáng kiến, sáng tạo trong công tác, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị...

(Còn nữa)

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

P.V

Chủ đề THI ĐUA ÁI QUỐC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói