Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp. Tham dự kỳ họp có: Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu IV; ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ucraina. Về phía đại biểu tỉnh có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh... |
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Đại biểu tham dự kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: Thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, với sự đổi mới, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, Hà Tĩnh đã từng bước giành được kết quả khá toàn diện.
Tăng trưởng kinh tế đạt khá so với bình quân chung cả nước, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu đạt cao, giải ngân đầu tư công nằm trong nhóm đầu cả nước. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Hà Tĩnh các dự án sản xuất; dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 và Nhà máy sản xuất Pin VinES được triển khai. Hà Tĩnh kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tuy vậy, so với kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu không đạt, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở một số địa phương có biểu hiện chững lại. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu.
Năm 2022 là năm cả hệ thống chính trị phải cụ thể hóa các nghị quyết, các chuyên đề như xây dựng NTM, tập trung tích tụ ruộng đất, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp, xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng… Theo đó, HĐND tỉnh cần tiếp tục đề ra các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện sát với thực tiễn.
Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ bàn, quyết định các nhóm vấn đề trọng tâm:
- Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, thống nhất chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, đầu tư công và thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022.
- Thông qua các tờ trình, quyết nghị các cơ chế, chính sách quan trọng, trong đó có một số nội dung chủ yếu như: Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM; chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực xây dựng TX. Kỳ Anh và TX. Hồng Lĩnh; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách và một số chính sách quan trọng khác.
- Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; Báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo của Uỷ ban MTTQ tỉnh về hoạt động giám sát, xây dựng chính quyền và một số báo cáo quan trọng khác.
- HĐND tỉnh sẽ thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề mà đại biểu Hội đồng đề xuất và cử tri quan tâm.
Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã báo cáo kết quả phát triển KT-XH năm 2021; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển năm 2022.
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động của hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp tỉnh nhà, trên các lĩnh vực đã đạt được những kết quả tích cực.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,02%, cao hơn cả nước. Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, đóng góp 4,46 điểm % trong mức tăng trưởng chung GRDP 5,02%. Chỉ số sản xuất toàn ngành năm 2021 ước tăng 16,45% so với năm 2020.
Năng suất và sản lượng lúa đạt mức cao nhất từ trước đến nay (năng suất đạt trên 55,22 tạ/ha, tăng 3,82 tạ/ha; sản lượng đạt trên 57,9 vạn tấn, tăng trên 4,5 vạn tấn); cây ăn quả đạt khá; Tổng đàn lợn, gia cầm tăng nhẹ, đàn trâu bò giảm do tác động của dịch bệnh.
Xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo. Các huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Hương Sơn, Lộc Hà đang được Trung ương xem xét, công nhận.
Hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng hơn 2% so với năm trước. Tổng lượt khách du lịch ước giảm 35%. Vận tải hành khách ước giảm khoảng 40% cả về doanh thu và số lượng hành khách. Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khuyến công địa phương... giai đoạn 2021-2025.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng mạnh so với năm trước; trong đó xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thép; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50%.
Toàn cảnh kỳ họp
Thu ngân sách trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng, vượt 31% dự toán tỉnh giao, tăng 25% so với năm 2020; là số thu cao nhất từ trước đến nay. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 8.200 tỷ đồng, vượt 17% dự toán, tăng 3% so với năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 7.800 tỷ đồng, vượt 51% dự toán, tăng 63% so với năm trước.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Năm 2021, thu hút 52 dự án đầu tư, trong đó: 51 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Xúc tiến đầu tư chuỗi du lịch dịch vụ ven biển; triển khai lập quy hoạch các Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng và sân golf tại huyện Lộc Hà (xã Thịnh Lộc), huyện Cẩm Xuyên (xã Cẩm Dương), thị xã Kỳ Anh (xã Kỳ Ninh). Khánh thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát với tổng mức gần 1.300 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Thực hiện tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Kết quả thực hiện còn 8/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế như tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; tạo áp lực cho các năm tiếp theo và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Phương châm hành động của năm 2022 là: “Tập trung phục hồi kinh tế - Đảm bảo thích ứng dịch bệnh - Thu hút đầu tư - An sinh xã hội”. Theo đó, các giải pháp được đưa ra là: Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp; cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng NTM, phục hồi, phát triển thương mại, dịch vụ; quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cùng với đó là phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị, giao thông, tài nguyên và môi trường; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư pháp, thanh tra, giải quyết tồn đọng, phòng chống tham nhũng, lãng phí; củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Tiếp đó, HĐND tỉnh nghe Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2021; phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2022; Tờ trình quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022 - 2025; định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022.
HĐND tỉnh cũng đã được nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Hà báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021; dự kiến kế hoạch năm 2022; Tờ trình về một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực xây dựng TX Kỳ Anh và TX Hồng Lĩnh.
Tiếp đó, Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa báo cáo tình hình thực hiện biên chế công chức trong các cơ quan hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội năm 2021; Kế hoạch biên chế năm 2022 và Tờ trình quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025.
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh cũng đã nghe Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt trình bày Tờ trình về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai doạn 2022-2025; Tờ trình về một số cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025...
Tiếp đó, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thanh Điện trình bày Tờ trình về Đề án Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lê Thị Quỳnh Hoa báo cáo tại kỳ họp
Đại biểu HĐND cũng đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lê Thị Quỳnh Hoa báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh năm 2021, nhiệm vụ năm 2022; nghe Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh năm 2021, nhiệm vụ năm 2022; nghe Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền năm 2021 của Ủy ban MTTQ tỉnh.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng đã báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2022-2025, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất để trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025, trong đó có chính sách hỗ trợ 50% mức lãi suất vay vốn mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cấy phục vụ sản xuất gắn với thực hiện việc tập trung, tích tụ ruộng đất, phát triển cánh đồng lớn gắn với chuyển đổi số. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện, thành phố, thị xã tiếp tục lồng ghép, sử dụng, triển khai có hiệu quả nguồn kinh phí Trung ương phân bổ cho chính sách theo Nghị định 62, 35 của Chính phủ để hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ, kỹ thuật mới vào sản xuất gắn với đẩy mạnh phong trào cải tạo đồng ruộng, tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trả lời cử tri về việc xem xét ban hành các chính sách xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh; cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực xây dựng TX Kỳ Anh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025; xem xét bổ sung huyện Cẩm Xuyên vào quy hoạch phát triển công nghiệp vùng phụ cận của KKT Vũng Áng; việc xả tràn hồ thượng nguồn Sông Trí (TX Kỳ Anh) gây ra sạt lở đất ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; xem xét chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, sử dụng Cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) sang mô hình doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động…
Chiều nay, HĐND tỉnh tiếp tục Kỳ họp thứ 4 với nội dung nghe báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.