Thành phố Nghĩa Ô nằm ở trung tâm tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc là nơi có khu chợ bán buôn lớn nhất thế giới, với nhiều loại mặt hàng đa dạng từ bút chì, tất chân đến đồ trang trí Giáng sinh, năm mới. Trong ảnh là một gian hàng bán cỏ nhân tạo ở chợ bán buôn Nghĩa Ô.
Nghĩa Ô hiện có 1,2 triệu dân, nằm cách Thượng Hải khoảng 285 km về phía Nam. Thành phố này cũng nằm trong top các đô thị Trung Quốc có dân số tăng trưởng nhanh nhất trong 30 năm. Tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 1985 đến 2015 ở Nghĩa Ô là 1.380%. Cụ thể, theo thống kê, năm 1985, khu vực này mới chỉ có 73.000 người sinh sống nhưng 30 năm sau, số dân cư đã tăng lên đến 1,1 triệu người.
Là thị trường hàng hóa loại nhỏ lớn nhất thế giới, Nghĩa Ô tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân Trung Quốc đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho thương lái nước ngoài. Thành phố này là nơi thu hút lượng lớn người nước ngoài tới buôn bán.
Là cờ in khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Donald Trump bên trong một gian hàng tại chợ bán buôn Nghĩa Ô.
Cờ của Trung Quốc và Mỹ bên trong một gian hàng ở chợ bán buôn Nghĩa Ô.
Nghĩa Ô còn có biệt danh là “làng Giáng sinh”, cung cấp 60% đồ trang hoàng đón năm mới của thế giới và hơn 90% của Trung Quốc.
Nghĩa Ô có hơn 75.000 cửa hàng cung cấp sản phẩm nhựa cho toàn thế giới, từ hoa giả, hạt cườm cho tới dây buộc tóc, đồ chơi bơm hơi, dây kim tuyến, mũ đội tiệc, ô dù và các món đồ trang trí Giáng sinh.
Được “rót tiền” đầu tư từ Trung Đông, Nghĩa Ô đã chuyển mình để trở thành một trung tâm thương mại lớn giữa Trung Quốc và Trung Đông, một “con đường tơ lụa” mới kết nối các nền kinh tế.
Năm 2014, Trung Quốc đã cho chạy thử đoàn tàu chở hàng Yixin’ou để khánh thành tuyến đường sắt dài nhất thế giới, với chiều dài hơn 13.000 km, đi xuyên qua 8 quốc gia khác nhau.
Đoàn tàu khởi hành tại Nghĩa Ô, Trung Quốc sau đó đi qua các nước Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức và Pháp, trước khi kết thúc hành trình tại Madrid - thủ đô Tây Ban Nha.
Tuyến đường sắt này được xem là “một bước ngoặt trong ngành công nghiệp đường sắt” hay “con đường tơ lụa của thế kỷ 21”.
Với những lợi thế của mình, Nghĩa Ô được xem là điểm tựa cho xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là tới các thị trường mới nổi.