Khi lương tri cộng đồng lên tiếng

(Baohatinh.vn) - Những vụ việc người dân tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng và có các hành vi vi phạm pháp luật khác ở TX Kỳ Anh, huyện Lộc Hà đã bị công an khởi tố vụ án, điều tra làm rõ. Rồi đây, những kẻ phạm tội sẽ bị trừng trị thích đáng; song, trong khi vụ việc chưa sáng tỏ thì những người liên quan có hành vi sai trái đã và đang chịu sự phán xét của lương tri, sự quay lưng của cộng đồng.

Một bộ phận người dân quá khích tụ tập, gây ách tắc giao thông trên QL 1A đoạn Đèo Con (TX Kỳ Anh) ngày 2/4.

Thời gian đầu, những cuộc biểu tình trái phép tự phát kiện Formosa diễn ra lẻ tẻ, nhưng càng về sau, sự việc càng trở nên nghiêm trọng, có dấu hiệu bị lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi đám người biểu tình trái phép đã chặn quốc lộ 1 ở Đèo Con (TX Kỳ Anh), chiếm phá trụ sở làm việc, hành hung và bắt giữ trái phép người thi hành công vụ tại huyện Lộc Hà.

“Giọt nước tràn ly”, các cơ quan báo chí lên tiếng, lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt và cộng đồng xã hội cất lên tiếng nói của lương tri. Tại Nghệ An, hơn 350 cựu chiến binh của huyện Quỳnh Lưu đã hành động, quyết ngăn chặn việc lợi dụng sự kiện Formosa để gây rối tình hình TTATXH của một bộ phận giáo dân địa phương. Đây là tổ chức tiên phong trong việc sử dụng sức mạnh quần chúng để hỗ trợ cùng cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng đấu tranh, dẹp bỏ các vụ biểu tình trái phép. Và có thể, đây sẽ là điển hình cho các địa phương, đơn vị khác về hình thức vận động, sử dụng sức mạnh hệ thống chính trị trong giữ gìn TTATXH.

Tại Hà Tĩnh, dù chưa có một tổ chức dân sự nào “tuyên chiến” với những phần tử chống đối, biểu tình trái phép nhưng đại bộ phận quần chúng nhân dân đã thể hiện rõ những bất bình. Thay vì thờ ơ, nhiều người đã phản đối, tẩy chay bằng những hành động cụ thể. Tôi đã được chứng kiến hình ảnh một số người dân ở chợ Huyện - Bình Lộc (Lộc Hà) ngăn cản hoạt động bán hải sản của một người phụ nữ mà họ phát hiện là “đã hò hét, tham gia biểu tình trái phép tại trụ sở UBND huyện hôm trước”.

Không xúc phạm, không hành hung và có những biểu hiện vi phạm pháp luật nào, những người này chỉ nói về hành vi sai trái, “điểm mặt, chỉ tên” “đối tượng” để những người trong chợ nhận biết. Và, xe cá của chị ấy từ sáng đến trưa ế ẩm! Nhìn người phụ nữ lầm lũi đẩy xe hải sản ra khỏi chợ, vừa đi vừa khóc, tôi không thể cầm lòng. Nhưng tôi cũng biết, đó là cái giá chị phải trả khi đi ngược lại lợi ích của quần chúng, đối đầu với cộng đồng lương tri.

Đây chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất. Sau các vụ biểu tình bị một số phần tử xấu lợi dụng, lèo lái, đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, những người tham gia đã bị cộng đồng xã hội quay lưng. Những thái độ phản đối mang tính tự phát, có phần hơi tiêu cực này là hệ lụy khi người dân không còn dung hòa được với những kẻ gây rối, chống đối chính quyền. Mong rằng, người dân đừng bị lôi kéo dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Phần lớn họ chỉ nghĩ đơn thuần rằng “đang tham gia đòi quyền lợi” mà không biết rằng, chính mình đang trở thành “con rối”, bị một nhóm phản động cầm đầu, giật dây vì động cơ xấu về chính trị.

Tôi cũng mong rằng, chính những người đã từng tham gia biểu tình, gây rối hãy sớm thức tỉnh, tuyệt đối không a dua, “bầy đàn” để bị kẻ xấu lợi dụng rồi phải bật khóc tức tưởi như hình ảnh người bán hải sản mà tôi chứng kiến. Chính quyền trừng trị kẻ phạm tội bằng pháp luật, cộng đồng xã hội trừng trị người vi phạm bằng tiếng nói của lương tri. Đó là sức mạnh lâu bền và rộng lớn nhất.

>> Gây rối trật tự tại đèo Con và Lộc Hà: Khi đạo lý bị coi khinh!

>> Khởi tố vụ gây rối trật tự, bắt người trái pháp luật ở Lộc Hà

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói