Phát hiện hệ sao có nhiều hành tinh chứa nước

Các nhà thiên văn học tìm thấy hệ sao L 98-59 gần Trái Đất có ba trong số 5 hành tinh chứa nước.

Phát hiện hệ sao có nhiều hành tinh chứa nước

Mô phỏng ngoại hành tinh L 98-59b có khối lượng bằng một nửa sao Kim. Ảnh: ESO.

Ngôi sao có tên L 98-59 ở cách Trái Đất 35 năm ánh sáng. Có 5 hành tinh quay quanh nó, bao gồm một hành tinh chứa nước, một hành tinh có thể ở được và một trong những ngoại hành tinh nhẹ nhất từng được phát hiện. Ngoại hành tinh là những hành tinh quay quanh ngôi sao ở ngoài hệ Mặt Trời. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 5/8 trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Trong khi quan sát hệ sao, các nhà thiên văn học xác định 3 trong số 5 hành tinh chứa nước ở dạng nào đó. Hai hành tinh ở gần ngôi sao chủ nhất nhiều khả năng là hành tinh đá khô hạn với lượng nước rất nhỏ. Những hành tinh đá này giống Trái Đất hoặc sao Kim, ở cách ngôi sao chủ đủ gần để nhận nguồn nhiệt từ đó. Trong khi đó, 30% khối lượng của hành tinh thứ ba có thể là nước. Điều này cho thấy nó có thể có đại dương bao phủ, tương tự một số mặt trăng trong hệ Mặt Trời.

Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện 3 ngoại hành tinh trên năm 2019 khi sử dụng Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA. TESS có thể phát hiện ngoại hành tinh bằng phương pháp chuyển tiếp, đo độ giảm sáng xảy ra khi hành tinh di chuyển phía trước ngôi sao chủ.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Olivier Demangeon, nhà thiên văn học ở Đại học Porto, Bồ Đào Nha, còn sử dụng phương pháp khác để tìm kiếm ngoại hành tinh mang tên vận tốc xuyên tâm, nhằm tính dao động khi lực hấp dẫn của ngoại hành tinh tác động tới ngôi sao chủ. Việc kết hợp hai phương pháp giúp các nhà thiên văn học xác định hành tinh ở gần ngôi sao chủ nhất có khối lượng chỉ bằng một nửa sao Kim, biến nó thành ngoại hành tinh nhẹ nhất từng được phát hiện bằng cách tính vận tốc xuyên tâm.

Các thành viên nhóm nghiên cứu cũng phát hiện hành tinh thứ 4 và dấu vết của hành tinh thứ 5 không có trong dữ liệu trước đây của TESS. Hành tinh thứ 5 có thể nằm ở khoảng cách phù hợp từ ngôi sao chủ để nước lỏng hình thành trên bề mặt, tức vùng ở được của ngôi sao.

Hệ hành tinh mới là mục tiêu lý tưởng đối với kính viễn vọng không gian James Webb của NASA, dự kiến phóng lên quỹ đạo Trái Đất trong tháng 10 năm nay, cũng như Kính viễn vọng rất lớn của Đài quan sát miền nam châu Âu, bắt đầu quan sát từ Chile năm 2027. Cả hai thiết bị đều có khả năng quan sát khí quyển của các hành tinh trên để khám phá dấu hiệu sự sống ngoài Trái Đất.

Theo An Khang VnExpress/CNN

Đọc thêm

Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đang tiến hành thiết kế một đội robot thăm dò dưới nước để đo tốc độ tan chảy của các dải băng lớn chung quanh Nam Cực; từ đó đưa ra những đánh giá tác động của tình trạng nói trên với hiện tượng nước biển dâng cao.
Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Nhóm nhà vật lý tại Đại học Arizona phát triển kính hiển vi điện tử nhanh nhất thế giới, có thể chụp electron di chuyển với tốc độ 7.920.000 km/h.
Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

LOTUSat-1, vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành công tác thiết kế, chế tạo, dự kiến có thể phóng lên vũ trụ vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Phát hiện dược chất quý từ trứng cầu gai vàng

Phát hiện dược chất quý từ trứng cầu gai vàng

Lần đầu tiên các nhà khoa học tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên phát hiện trong loài cầu gai vàng có nhiều hợp chất có dược tính tiềm năng, tìm cách nghiên cứu chiết xuất.