Trung Quốc thử nghiệm tàu bay siêu tốc 1.000 km/h trong ống chân không

Tàu bay siêu tốc 1.000km/h của Trung Quốc đạt được được những kết quả khả quan ở cuộc thử nghiệm mới nhất trong môi trường chân không.

SCMP ngày 9/8 đưa tin, Trung Quốc đã tiến hành thêm một đợt thử nghiệm nữa cho dự án tàu đệm từ siêu tốc hyperloop, được thiết kế có thể đạt tốc độ tối đa 1.000 km/h.

Đây là lần đầu tiên việc tích hợp các hệ thống của tàu được đưa vào thử nghiệm, diễn ra trong một đường ống dài 2 km với môi trường chân không thấp, ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc.

Nhà phát triển dự án không tiết lộ tốc độ của đoàn tàu đạt được trong quá trình chạy thử nhưng cho biết kết quả phù hợp với ước tính của họ.

Mô hình tàu bay siêu tốc T-Flight của Trung Quốc. (Ảnh: CASIC)

Mô hình tàu bay siêu tốc T-Flight của Trung Quốc. (Ảnh: CASIC)

Báo cáo cho biết tàu đệm từ siêu dẫn đã đạt được khả năng điều hướng có kiểm soát trong quá trình thử nghiệm, hệ thống treo ổn định và dừng lại an toàn. Đường đi của tàu gần như trùng khớp với quỹ đạo lý thuyết.

Các công nghệ quan trọng đã được kiểm tra kỹ lưỡng - bao gồm môi trường chân không quy mô lớn, công nghệ điều khiển điều hướng siêu dẫn và sự phối hợp giữa các hệ thống trong môi trường chân không thấp.

"Cuộc thử nghiệm đã nâng cao mức độ hoàn thiện kỹ thuật tổng thể của hệ thống và đặt nền tảng kỹ thuật vững chắc cho cuộc thử nghiệm tiếp theo”, một đại diện của dự án chia sẻ.

Được biết đến với tên gọi “tàu bay siêu tốc”, dự án hyperloop được chính quyền tỉnh Sơn Tây và Tổng công ty Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc hợp tác phát triển.

Các kỹ sư tham gia dự án này hy vọng rằng tàu đệm từ có thể "bay trên mặt đất" với tốc độ ngang với máy bay.

Việc xây dựng tuyến thử nghiệm quy mô đầy đủ tại Đại Đồng - tích hợp công nghệ hàng không vũ trụ và đường sắt - bắt đầu vào tháng 4/2022 và hoàn thành vào tháng 11/2023. Vài tháng sau, các nhà phát triển tuyên bố một cuộc thử nghiệm hyperloop đã thiết lập kỷ lục mới. Họ không tiết lộ tốc độ đạt được, chỉ nói rằng nó nhanh hơn kỷ lục trước đó là 623km/h.

Các báo cáo chính thức cho rằng tàu siêu tốc có khả năng được sử dụng để kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc trong tương lai. Ví dụ, thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Thượng Hải - khoảng cách hơn 1.200 km mất hơn 4 giờ bằng tàu cao tốc - sẽ giảm xuống chỉ còn 90 phút tàu siêu tốc.

Ý tưởng về một hệ thống vận chuyển trong ống có áp suất thấp đã xuất hiện từ hơn một thế kỷ trước, nhưng bắt đầu thu hút trí tưởng tượng của các kỹ sư và nhà đầu tư trên khắp thế giới kể từ khi tỷ phú công nghệ Elon Musk phát hành một bài viết trắng phác thảo tầm nhìn về công nghệ hyperloop vào năm 2013.

Công nghệ mới này nhằm mục đích khắc phục hai vấn đề lớn nhất mà vận tải đường sắt gặp phải: ma sát giữa bánh xe với đường ray, và sức cản của không khí đối với thân tàu.

Ý tưởng sử dụng công nghệ maglev - hay còn gọi là công nghệ đệm từ - để loại bỏ ma sát bằng cách sử dụng lực đẩy và lực kéo của nam châm để dẫn hướng, tăng tốc và giảm tốc cho tàu. Trong khi đó, việc chạy tàu trong ống chân không thấp có thể giảm sức cản và tiếng ồn.

Tuy nhiên, công nghệ tương lai này còn cả một chặng đường dài trước khi trở thành hiện thực.

Trong khi vẫn còn một số nhóm trên khắp thế giới đang cố gắng xây dựng hệ thống hyperloop, những nỗ lực hiện thực hóa dự án của Musk đã sụp đổ khi công ty phát triển hệ thống này của ông, Hyperloop One, bị đóng cửa vào cuối năm 2023, sau khi không giành được hợp đồng nào để xây dựng.

vtcnews.vn

Đọc thêm

Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Nhóm nhà vật lý tại Đại học Arizona phát triển kính hiển vi điện tử nhanh nhất thế giới, có thể chụp electron di chuyển với tốc độ 7.920.000 km/h.
Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

LOTUSat-1, vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành công tác thiết kế, chế tạo, dự kiến có thể phóng lên vũ trụ vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Phát hiện dược chất quý từ trứng cầu gai vàng

Phát hiện dược chất quý từ trứng cầu gai vàng

Lần đầu tiên các nhà khoa học tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên phát hiện trong loài cầu gai vàng có nhiều hợp chất có dược tính tiềm năng, tìm cách nghiên cứu chiết xuất.