Tài năng công nghệ ở tuổi 12

Ở tuổi 12, Nghĩa biết 8 ngôn ngữ lập trình, tìm ra lỗi trong website dạy lập trình nổi tiếng khiến nhiều cao thủ trong ngành thán phục.

Một ngày tháng 6, anh Cao Văn Việt - giám đốc dự án CodeLearn - nền tảng học lập trình trực tuyến cho sinh viên và cộng đồng lập trình viên nhận được tin nhắn của một học viên tên Trần Trọng Nghĩa, xin được thực tập.

“Em cứ gửi CV đi nhé”, anh Việt nhắn lại. “CV là gì ạ?”- tin nhắn hồi đáp. Vị giám đốc cảm thấy hơi bực mình vì câu hỏi ngô nghê nhưng để kiểm tra tính kiên trì và khả năng của ứng viên, anh Việt ra thách thức: “Nhặt lỗi trong website CodeLearn rồi tính tiếp”.

Sau dòng tin nhắn, anh Việt thầm nghĩ, học viên này rồi sẽ bỏ cuộc bởi khó ai tìm được lỗi của sản phẩm từng đạt giải Sao Khuê 2020, đang có hơn 60.000 người sử dụng.

Ngay tối ra đề bài, vài tiếng anh Việt lại nhận hàng loạt tin nhắn thông báo kết quả của Nghĩa. “Phần này không thấy”, “Phần này em không tìm ra”, cậu nhắn. Đến sáng, Nghĩa gửi hình mặt cười kèm tin nhắn đã tìm ra lỗi. Không tin, anh Việt chuyển nội dung sang kỹ thuật nhưng được khẳng định “không tồn tại lỗi này”. Mười lăm phút sau, phòng kỹ thuật gọi lại, thừa nhận lỗ hổng mà Nghĩa tìm ra là chính xác.

Tài năng công nghệ ở tuổi 12

Trần Trọng Nghĩa hiện đang là học sinh lớp 6 tại một trường THCS ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ảnh: Hải Hiền.

Bất ngờ về kết quả, vị giám đốc Codelearn bắt đầu tìm hiểu về Trần Trọng Nghĩa và phát hiện học viên này thực chất chỉ là một cậu bé 12 tuổi, đang học lớp 6 tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. “Dù lỗi đó nhỏ nhưng để tìm ra phải có kiến thức của sinh viên chuyên ngành CNTT năm cuối”, anh Việt khẳng định.

Qua tìm hiểu anh Việt biết thêm ở tuổi 12, Nghĩa biết tới 8 ngôn ngữ lập trình, từng đạt giải nhất cuộc thi Appjaming Vietnam 2019 - Cuộc thi lập trình ứng dụng sáng tạo quốc tế. Cậu bé này cũng đã giành được học bổng 2 khóa học lập trình ở Hà Nội và hiện đang bắt đầu mày mò về hack (kĩ thuật tấn công để dò tìm lỗ hổng bảo mật).

"Nghĩa khiến nhiều lập trình kỳ cựu phải bất ngờ vì trước đó họ tưởng cậu chí ít cũng là một sinh viên CNTT giàu tư chất", anh Việt nhận xét.

Trần Trọng Nghĩa ngoài đời không khác tưởng tượng của vị giám đốc CodeLearn là mấy. Mười ngón tay lướt nhanh trên bàn phím gõ câu lệnh xử lý, cậu chưa khi nào phải dùng đến chuột. Từ cuối năm lớp 1, khi lần đầu tiếp xúc với máy tính, Nghĩa đã tỏ ra mình “khác người” khi không “bập vào game” như các bạn cùng trang lứa mà mò mẫm vào tìm hiểu phần cài đặt. Từ đó, mỗi ngày cậu bé 6 tuổi dành 2-3 tiếng tự học về máy tính trên YouTube.

Năm lớp 2, khi bố cho chiếc máy tính cũ, Nghĩa tự mình mày mò cài đặt thành công hệ điều hành Windows. Hai năm sau, việc cài đặt hay sửa lỗi phần mềm máy tính cậu đã làm thành thạo, có thể tùy chỉnh cài đặt hoặc cài hai hệ điều hành song song trên một máy. Cậu bé trở thành “nhân viên IT” thường xuyên nhận sửa lỗi máy tính cho cô giáo ở trường hay bà con họ hàng.

Hè năm 2018, khi đang là học sinh lớp 4, Nghĩa tự dò tìm mật khẩu máy tính của bố rồi cài đặt lại theo sở thích. Không may dữ liệu tại ổ cứng bị xóa sạch. Dù cố gắng khôi phục nhưng chỉ được một phần. Sau tai nạn đó, cậu học trò bị bố cấm sử dụng máy tính.

Nhưng cũng sau lần đó, anh Trần Trọng Đại - bố Nghĩa - nhận ra khả năng và đam mê CNTT của cậu bé này. Anh quyết định hướng dẫn con học lập trình để có thể hiểu sâu hơn về máy tính. Việc đầu tiên ông bố này làm là dạy con học tiếng Anh để tạo nền tảng ngữ pháp tốt và có một lượng từ vựng tin học nhất định. Qua cách dạy của bố, Nghĩa có thể tự học lập trình qua các trang web, kể cả của nước ngoài.

Song song với việc học tiếng Anh, anh Đại cũng mày mò tìm hiểu lập trình cho người bắt đầu, tham gia vào diễn đàn công nghệ rồi tải tài liệu, cung cấp cho con. Tiếng Anh tốt kết hợp với khả năng ghi nhớ chính xác những câu lệnh dài, việc học lập trình của Nghĩa sau đó khá thuận lợi. Vài ngày làm quen, cậu đã viết chương trình đầu tiên "Hello World!“”bằng ngôn ngữ Java. Tất cả kiến thức đều tự học trên mạng.

Khi học được những phần cơ bản, Nghĩa bắt đầu lập trình các ứng dụng đơn giản như xếp loại học sinh, game trò chơi... rồi nhờ bố góp ý chỉnh sửa giao diện hay tiện ích trong ứng dụng. Sau hai tháng, cậu tự viết một ứng dụng game trò chơi hoàn chỉnh rồi gửi bố.

Lần đầu nhận được sản phẩm từ con, anh Đại háo hức khi ấn vào nút cài đặt. “Không biết thành công không nhưng nhìn thấy khuôn mặt tươi rói của con, tôi thấy vui vì cháu đã nỗ lực hoàn thành”. Kết quả, hai bố con có thời gian vui vẻ khi cùng chơi cờ caro trên ứng dụng do Nghĩa viết. Từ đó, mỗi khi viết xong một phần mềm, bố luôn là người đầu tiên được con trai khoe sản phẩm mới.

Mày mò học online, những vấn đề không hiểu, cậu bé này tìm lời giải bằng cách “xới tung” các diễn đàn công nghệ, học tập kinh nghiệm của anh chị đi trước. Nhiều hôm bố mẹ phải giục giã đi ngủ. “Lập trình có vô vàn kiến thức, càng học càng thấy thiếu và yếu”, Nghĩa nói.

Khi tham gia học lập trình miễn phí trên Codelearn, cậu bé 12 tuổi luôn hoàn thành các khóa học cơ bản và bài tập được giao. Hiện Nghĩa đang nằm top 20 trong 60.000 học viên tham gia tích cực các hoạt động dành cho lập trình viên dù mới chỉ học 3 tháng.

Kỷ niệm mà cậu bé nhớ nhất trong những năm tháng “chơi với máy tính” của mình là hồi lớp 5, khi thấy hãng Apple ra mắt phiên bản hệ điều hành mới với nhiều tính năng thú vị, Nghĩa quyết định tìm cách bắt nó chạy trên chiếc máy tính HP cũ của mình.

Thông thường, hệ điều hành MacOS chỉ được tích hợp sẵn trên các máy tính do Apple sản xuất, trong khi máy tính HP là loại thiết bị được thiết kế để sử dụng hệ điều hành Windows. Sự không tương thích về phần cứng là trở ngại lớn nhất khi cài đặt hệ điều hành khác. Để gỡ khó, Nghĩa nghĩ ra cách gọi điện trực tiếp cho chuyên gia hãng Apple tại Mỹ nhờ giải đáp. Nhưng để được trợ giúp, Nghĩa phải khai báo số series của một chiếc máy tính Mac. Cậu học trò lớp 5 hì hụi tháo tung chiếc Macbook cũ đã hỏng, lấy ổ cứng, RAM để tìm số series. Ngay sau khi nhận được giải đáp của chuyên gia Apple, Nghĩa đã chinh phục thành công hệ điều hành MacOS và bắt nó chạy trên chiếc máy HP.

Kể từ đó, Nghĩa bắt đầu thích nói chuyện với trợ lý ảo của các hãng công nghệ nổi tiếng thế giới như Apple hay Google vừa để giải trí vừa để khám phá thêm kiến thức về mảng tự động trả lời của máy.

Tài năng công nghệ ở tuổi 12

Trần Trọng Nghĩa và bố - anh Trần Trọng Đại. Với Nghĩa, bố là người đặc biệt quan trọng, hỗ trợ rất lớn trong việc theo đuổi công nghệ thông tin của em. Ảnh: Hải Hiền.

Tháng 3 năm 2019 khi đang học lớp 5, Nghĩa tham gia và đạt giải nhất cuộc thi App Jamming Summit 2019 dành cho cho các lập trình viên từ 8 đến 19 tuổi.

Phần mềm cậu viết là về sản phẩm múa rối nước ứng dụng cho hệ điều hành Android với tính năng điều khiển bằng giọng nói đã được ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao.

Ứng dụng này giúp việc tra cứu thông tin liên quan đến loại hình múa rối nước tại Việt Nam, yêu cầu nói bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, tùy vào yêu cầu của người sử dụng. Sản phẩm sau đó được mang sang Hong Kong thi đấu, vì một số trục trặc nên Nghĩa không có cơ hội trình bày sản phẩm của mình với bạn bè quốc tế. Bù lại, cậu bé 11 tuổi đã tự quay và dựng video bản thuyết trình bằng tiếng Anh gửi tới cuộc thi. Video của Nghĩa được chiếu trong lễ tổng kết cuộc thi tại Hong Kong năm 2019.

Sau giải thưởng, cậu bé 12 tuổi tiếp tục nhận được học bổng 2 khóa lập trình ở Hà Nội. Trong năm, Nghĩa cũng trở thành sinh viên nhỏ tuổi trong 30 người nhận được học bổng “Language of Future” của chuyên gia Nguyễn Hà Đông.

Hiện tại Nghĩa đang hoàn thiện phần mềm về lớp học thông minh dạy và học tiếng Anh cho học sinh lớp 2 theo giáo trình sách giáo khoa. Với sản phẩm này, cậu dự tính tham gia cuộc thi sản phẩm sáng tạo cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2020.

“Em đặt mục tiêu hoàn thành mỗi năm 1 phần mềm để ứng dụng cho cuộc sống và nâng cao dần trình độ của mình”, cậu bé 12 tuổi nói.

Theo Hải Hiền/VNE

Đọc thêm

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

4 công trình đến từ 10 nhà khoa học trên thế giới đã vượt qua gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 4,5 triệu USD. Nhiều công trình, từ ý tưởng đến giải thưởng danh giá là quãng thời gian gần cả đời người với hành trình kiên trì vượt qua thử thách, định kiến và cả những thất bại để tận hiến cho khoa học và sự tiến bộ nhân loại.
Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.