Nếu đã từng như vậy, bạn không hề cô đơn. Các nhà khoa học cho biết con người chúng ta rất hay tưởng tượng ra những khuôn mặt từ hình dáng của những vật thể vô tri. Chỉ cần nó có những nét từa tựa đôi mắt và cái miệng, não bộ bạn sẽ tự động gán nó cho một khuôn mặt.
Bạn có thấy những khuôn mặt trong đây hay không?
Hành vi nhận thức này phổ biến đến nỗi các nhà khoa học phải đặt cho nó một cái tên: “Face pareidolia”. Và họ cho biết không chỉ có con người, loài khỉ Macaca cũng sẽ tưởng tượng ra những khuôn mặt khi chúng được cho nhìn những hình dạng tương tự mắt mũi miệng.
Hiện tượng này thậm chí xuất hiện ở mọi quy mô, từ hiển vi, đời thường cho tới các thiên thể trong vũ trụ. Trên Sao Hỏa thậm chí có một khối đá được đặt tên là “Face on Mars” chỉ bởi ảnh vệ tinh của nó trông quá giống khuôn mặt. Một thời, khối đá này từng được coi là bằng chứng cho sự tồn tại của người Sao Hỏa.
Nhưng hóa ra, tất cả chỉ là do não bộ chúng ta bị vướng vào hiện tượng Face pareidolia mà thôi.
Các nhà khoa học đã xác định được một khu vực trong não bộ gọi là Fusiform face area (FFA) chuyên có chức năng nhận dạng khuôn mặt. Họ chứng minh điều đo bằng cách đưa các tình nguyện viên vào máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) và lần lượt chiếu cho họ xem một loạt các hình vẽ.
Khi đến các hình vẽ khuôn mặt thật, FFA mất 130 mili giây để được kích hoạt trong não bộ, giúp tình nguyện viên nhận biết đó là một khuôn mặt. Với các hình vẽ tựa khuôn mặt, FFA mất một chút lâu hơn, nhưng cũng chỉ 165 mili giây để sáng lên trên màn hình fMRI. Còn các hình vẽ không có dạng khuôn mặt, FFA không được kích hoạt.
Các nhà khoa học đã xác định được một khu vực trong não bộ gọi là Fusiform face area (FFA) chuyên có chức năng nhận dạng khuôn mặt.
Quan sát sự phát triển của khu vực FFA trong não bộ, các nhà khoa học nhận thấy nó kém phát triển ở trẻ em nhưng sẽ phát triển đầy đủ khi chúng ta đến tuổi vị thành niên. Mặc dù vậy, trẻ sơ sinh ngay từ 3 tháng tuổi đã có thể nhận biết các khuôn mặt khác nhau và đặc biệt thấy gần gũi với khuôn mặt của mẹ.
Một giả thuyết đặt ra, đó là khu vực FFA và chức năng nhận biết khuôn mặt sẽ cho phép trẻ sơ sinh bám lấy mẹ mình và những người khác xung quanh để có được thức ăn. Ở thời kỳ đó, thị giác của trẻ chưa phát triển hoàn toàn nên chỉ có thể lờ mờ thấy các mẫu hình khuôn mặt.
Chính sự nhận diện không đầy đủ này đã gieo mầm cho “Face pareidolia” khiến chúng ra có thể tưởng tượng ra một khuôn mặt dù đó không hẳn là các khuôn mặt thật.
“Mô hình cơ bản chứa các đặc điểm xác định khuôn mặt người (thường là hai mắt và một miệng) là thứ mà bộ não của chúng ta đặc biệt chú ý đến. Chính nó đã thu hút sự chú ý của chúng ta đến các vật thể khơi gợi Face pareidolia”, Colin Palmer một nhà thần kinh học đến từ Đại học New South Wales (UNSW) cho biết.
“Nhưng nhận thức khuôn mặt không chỉ là nhận biết sự hiện diện của một khuôn mặt. Chúng ta còn cần nhận ra người đó là ai và đọc thông tin từ khuôn mặt của họ, chẳng hạn như liệu họ có đang chú ý đến chúng ta hay không, và liệu họ đang vui hay đang buồn”.
Nhu cầu nhận diện này thúc đẩy vùng FFA trong não bộ phát triển và hoàn thiện ở tuổi vị thành niên. Đến tuổi này, việc nhận biết được khuôn mặt với các trạng thái khác nhau sẽ đem lại lợi thế tiến hóa, Palmer nói.
Chẳng hạn, một người có thể biết người đối diện là một kẻ lạ mặt hay kẻ thù đang giận dữ với mình, anh ta có thể sẵn sàng đối phó hoặc chạy trốn mối đe dọa đó để tồn tại.
Điều này không chỉ đúng với con người, mà còn với cả các loài động vật. Một nghiên cứu năm 2017 đã cho thấy khỉ Macaca cũng có khả năng nhận thức các hình mẫu khuôn mặt trên các vật thể vô tri vô giác.
Hay mới đây nhất, một nghiên cứu cũng được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học New South Wales gợi ý khả năng những con sư tử có thể nhận diện hai dấu X vẽ đằng sau mông những con bò là mắt của chúng.
Những con bò sơn 2 dấu X trên mông đã giảm được tỷ lệ bị tấn công, vì sư tử nhầm tưởng phía sau nó cũng là một cái đầu khác đang nhìn chúng. Mà sư tử là loài săn mồi phục kích, chúng sẽ không tấn công con mồi từ phía chính diện.
“Một khi bạn đã tiến hóa rất giỏi trong việc phát hiện ra những khuôn mặt, thì điều này có thể dẫn đến tình trạng dương tính giả, đôi khi bạn nhìn thấy những khuôn mặt không thực sự ở đó”, Palmer nói.
Một lời giải thích khác, đó là những con sư tử đã nhầm tưởng hai dấu X trên mông bò là mắt của chúng bởi vì hệ thống FFA trong não chúng không đủ nhạy bén.
Trong khi với con người, hiện tượng Face pareidolia có thể là một di chứng từ thời sơ sinh, khi khu vực FFA và thị giác chưa phát triển đủ mạnh nên sẽ nhận diện mọi hình mẫu khuôn mặt là những khuôn mặt thật.