Việt Nam tham vấn cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax

Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a của loại vaccine Nano Covax để có căn cứ xem xét cấp phép có điều kiện trong tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, trong việc thẩm định dữ liệu nghiên cứu lâm sàng và phê duyệt khẩn cấp vaccine COVID-19, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm.

Việt Nam tham vấn cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax

Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và phát triển vaccin, cho biết Việt Nam đang xem xét, tiến tới cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo trực tuyến tham vấn chuyên gia về thẩm định dữ liệu nghiên cứu lâm sàng và phê duyệt vaccine COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp, do Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức sáng 4.8.

Đây là phiên họp đầu tiên do 2 cơ quan tổ chức với sự tham gia của Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất.

“Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, Bộ Y tế mong muốn thu nhận thêm kinh nghiệm từ WHO, MFDS và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine”- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Tại hội thảo, đại diện WHO thông tin, hiện trên thế giới có 17 vaccine COVID-19 đang được sử dụng, trong đó có 7 loại được WHO cấp phép khẩn cấp.

Đồng thời, tổ chức này khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng hướng dẫn cấp phép lưu hành, sử dụng khẩn cấp để áp dụng với vaccine sản xuất trong nước và nhập khẩu. Được biết, Việt Nam đang nỗ lực sớm hoàn thiện thông tư về vấn đề này.

Bên cạnh đó, WHO cũng đề nghị Việt Nam cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy tiến trình cấp phép trong tình trạng khẩn cấp để giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát triển vaccine.

Kinh nghiệm trong cấp phép khẩn cấp vaccine COVID-19

Theo chia sẻ của MFDS Hàn Quốc, tại quốc gia này, có 8 vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm giai đoạn 1 hoặc 2, một số ứng viên dự kiến bắt đầu nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 trong 6 tháng cuối năm 2021.

Hầu hết các nhà sản xuất vaccine ở Hàn Quốc đang cân nhắc phát triển vaccine thế hệ hai, tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (pha 3) để so sánh tính sinh miễn dịch với vaccine COVID-19 đã được cấp phép thay vì thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu lực vaccine có đối chứng giả dược.

Về quy trình phê duyệt vaccine COVID-19 của MFDS Hàn Quốc rút ngắn tối đa thời gian từ giai đoạn phát triển tiền lâm sàng đến khi xuất xưởng vaccine trong đó có hình thức đánh giá cuốn chiếu hồ sơ xin cấp phép nhưng vẫn phải trải qua đầy đủ các bước.

Trong đó, giai đoạn phát triển tiền lâm sàng phải họp tham vấn với đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine để giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát triển; sau đó, nhóm nghiên cứu nộp hồ sơ xin cấp phép sản xuất thuốc mới; giảm thời gian tối đa từ khi nộp hồ sơ xin cấp phép sản xuất tới lúc nộp hồ sơ xin cấp phép sinh phẩm.

Trong thời gian này, nhà chức trách sẽ đánh giá sớm theo hình thức cuốn chiếu Hồ sơ, tham vấn các ý kiến của Tổ thẩm định tâm huyết, Hội đồng tư vấn ba vòng để đánh giá trước khi cho phép sản xuất xuất xưởng.

TS Kidong Park – Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, khẳng định sau phiên họp đầu tiên này, hai bên sẽ tiếp tục có các phiên làm việc để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về phát triển vaccine COVID-19, đẩy nhanh quá trình xây dựng các quy định hướng dẫn phê duyệt vaccine và phát triển, mở rộng ứng dụng vacccine trong nước. Từ đó, nhanh chóng có vaccine phục vụ người dân Việt Nam và kỳ vọng đưa vaccine do Việt Nam sản xuất ra thế giới.

Hiện nay, 2 ứng viên sản xuất vaccine trong nước gồm Nano Covax và Covivac đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2 và thứ 3. Vacine Nano Covax đang ở giai đoạn 3, thực hiện đánh giá 3 yếu tố: Tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên người Việt Nam tình nguyện từ 18 tuổi.

Trong đó, giai đoạn 3a tiến hành tiêm cho 1.000 đối tượng, đánh giá giữa kỳ tính an toàn, tính sinh miễn dịch, tỷ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vaccine trên nhóm tiêm giả dược là 6:1.

Giai đoạn 3b được tiến hành trên 12.000 đối tượng, tỷ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vaccine trên nhóm tiêm giả dược là 2:1.

Theo Lao động

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast