Thay mặt BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành Chị thị số 38-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát hút thuốc lá điện tử, sử dụng chất kích thích, chơi game online không lành mạnh và các tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu nhi. |
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng đã tập trung triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn trong thanh, thiếu nhi. Tuy vậy, trước tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, nhiều tệ nạn về trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp; tình trạng thanh, thiếu nhi sa vào các tệ nạn xã hội như: sử dụng ma túy, đánh bạc, lô đề, cá độ bóng đá... có xu hướng tăng; học sinh, sinh viên sử dụng chất kích thích, bóng cười, hút thuốc lá điện tử, chơi game online không lành mạnh, bạo lực học đường ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần và trí lực của thanh, thiếu nhi, tác động xấu tới môi trường giáo dục và xã hội.
Tình trạng hút thuốc lá điện tử trong giới học đường ngày càng nhiều. Ảnh Internet.
Để tiếp tục xây dựng và phát huy các giá trị chuẩn mực đạo đức của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu nhi; giúp các em có môi trường sống và học tập an toàn, lành mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung.
Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nhất là Luật phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật An ninh mạng, Luật Giao thông đường bộ.... nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, trường học, của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong bảo vệ thanh, thiếu nhi trước nguy cơ ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, trường học, gia đình, khu dân cư; chú trọng nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, các chuẩn mực đạo đức của thanh, thiếu niên trong thời đại mới.
Vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia, đấu tranh phòng ngừa tệ nạn xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa. Yêu cầu 100% học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội; không sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử; không chơi game online thiếu lành mạnh; không tham gia các vụ bạo lực học đường; chấp hành tốt Luật phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật An ninh mạng, các quy định pháp luật về an toàn giao thông...
Các địa phương, trường học, cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng và gia đình phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh, sinh viên; phát hiện, ngăn ngừa, tư vấn tâm lý, có biện pháp giáo dục đối với học sinh, sinh viên, thanh, thiếu nhi đam mê chơi game online, hút thuốc lá điện tử, sử dụng chất kích thích, tham gia các vụ bạo lực học đường, tệ nạn xã hội...
Cần tiếp tục tuyên truyền tác hại của ma túy trong trường học.
Xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; phát triển các mô hình “Trường học không khói thuốc”, “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh, sinh viên, thanh, thiếu nhi tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa, hội thi, các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích và lứa tuổi để giúp các em rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực. Tích cực huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội.
Phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống các tệ nạn xã hội. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có nội dung không phù hợp, hoạt động quá thời gian theo quy định. Đẩy mạnh kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn bán thuốc lá điện tử, chất kích thích, hàng cấm... trên thị trường; bám nắm địa bàn, theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các tội phạm buôn bán hàng cấm, lôi kéo học sinh, sinh viên, thanh thiếu nhi sử dụng các loại chất kích thích, ma túy, thuốc lá điện tử...
Tổ chức thực hiện
Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị nghiêm túc, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, các mô hình điển hình trong tuyên truyên, giáo dục học sinh, sinh viên, thanh, thiếu nhi tránh xa tệ nạn xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời, nghiêm túc nếu để xảy ra các vi phạm trên địa bàn, trường học.
Ngành công an và ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong trường học; triển khai hiệu quả Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT, ngày 28/8/2015 của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục; Chỉ thị số 6036/CT-BGDĐT, ngày 17/12/2014 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá và lạm dụng đồ uống có cồn trong ngành Giáo dục. Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, thanh, thiếu nhi vi phạm; theo dõi, giúp đỡ, động viên các em học tập, rèn luyện; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cá biệt, tái phạm nhiều lần.
Tỉnh đoàn phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, trường học, địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho thanh, thiếu nhi; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi về phòng, chống các tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động; đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp; thực hiện tốt công tác đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ, phát huy vai trò phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên; phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng xây dựng, triển khai và nhân rộng các phong trào, mô hình thiết thực, hiệu quả về đấu tranh, ngăn ngừa tệ nạn trong thanh, thiếu nhi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện Chỉ thị.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ thị được quán triệt đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân.