Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 ở Chương I với 13 điều quy định về vị trí vai trò của Nhân dân; vị trí vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiến pháp đã được các tổ chức xã hội, hàng triệu công dân gồm các tầng lớp dân cư ở trong và ngoài nước góp ý và được Quốc hội thông qua. Đây là văn bản chính thống về pháp lý biểu thị sự thống nhất và đồng lòng của toàn dân tộc với chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều này được lịch sử chứng minh trong quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như ngày nay đang lãnh đạo công cuộc đổi mới chưa có tiền lệ.
Điều cơ bản nhất, bản chất nhất đó là lý tưởng, mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam mang lại lợi ích thiết thực và những thành quả chói ngời cho dân tộc và Nhân dân, nên được Nhân dân Việt Nam đồng tình, ủng hộ đi theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo trong quá trình đấu tranh cách mạng giành và giữ vững nền độc lập, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, là sản phẩm của dân tộc gắn với thời đại, cần được gìn giữ, bảo vệ, tiếp tục đổi mới để ngày càng hoàn thiện hơn.
Tranh cổ động chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ảnh: tuyengiao.vn
Trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia với các thể chế chính trị khác nhau; có thể nói thể chế chính trị ở Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một đặc thù tiến bộ, là kết quả từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Sự phát triển của xã hội loài người đã trải qua nhiều chế độ, nhiều thể chế chính trị, ngày nay với sự phát triển của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì ở nhiều quốc gia vẫn đang tìm tòi sự đổi mới không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng và Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (công bố ngày 20/10/2020) đều khẳng định phương hướng cơ bản của công cuộc xây dựng đất nước trong sự nghiệp đổi mới là tiếp tục phát triển và hoàn thiện sự nghiệp đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới về chính trị, mà tập trung là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Như vậy, gắn liền với sự nghiệp đổi mới trên các lĩnh vực của xã hội thì Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề đổi mới chính trị để thể chế chính trị ngày càng hoàn thiện. Song hiện nay trước thềm Đại hội XIII của Đảng, nhiều ý kiến trái chiều với nhiều động cơ, trong đó tai hại nhất là những tổ chức, những phần tử cơ hội chính trị chống Đảng, lấy chiêu bài “dân chủ” đòi phải “đa nguyên” chấp nhận các luận điểm sai trái; đòi “đa đảng” để có nhiều đảng tranh cử giành quyền lãnh đạo.
Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nguồn: Tạp chí Tổ chức nhà nước
Có thể nói đây là một âm mưu chống phá rất thâm độc. Họ đi từ những vấn đề cụ thể, những sai sót, khiếm khuyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, đến những vấn đề lớn như nền tảng tư tưởng, quan điểm đường lối của Đảng. Họ đòi xem lại cơ chế thị trường định hướng XHCN, họ dùng chiêu bài chống tham nhũng, rồi đòi hỏi cần phải tiến hành đấu tranh chống tham nhũng triệt để; nhưng khi Đảng lãnh đạo tiến hành đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh mẽ có hiệu quả, thì họ lại rêu rao là “đấu đá nhau” trong nội bộ.
Khi Đảng ta khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì họ lại nói ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, họ xuyên tạc, bóp méo, cường điệu hòng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Thế thì mục tiêu của họ là gì. Hãy cảnh giác, đó là cách đi để đạt mục tiêu thay đổi chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lịch sử và thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đạt được những thành quả vô giá trong quá trình đấu tranh cách mạng, trong 35 năm đổi mới và thời điểm hiện nay đang thành công trong việc chống đại dịch Covid-19, biến thách thức thành thời cơ để bứt phá phát triển.
Chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo đã mang lại những thành tựu to lớn như thế cho dân tộc, đang tiến hành sự nghiệp đổi mới với mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tiến bước trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với XHCN, phù hợp với quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam và mang tính thời đại.
Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, tháng 6/2020. Ảnh PV
Việt Nam ngày càng có vị thế trên trường quốc tế, mở rộng hợp tác đa phương, song phương, có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, không phân biệt thể chế chính trị, được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu 191/192, được bạn bè quốc tế nhận xét: “Mây đen đang bao phủ lên hầu khắp bầu trời thế giới, nhưng mặt trời vẫn chiếu sáng ở Việt Nam”.
Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định việc bảo vệ và tiếp tục hoàn thiện chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo để ngày càng làm tốt hơn vai trò đưa đất nước phát triển trên con đường thực hiện mục tiêu cao cả: “Đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN”.