Kinh tế Trung Quốc giảm tốc nghiêm trọng, thấp nhất 27 năm

“Không còn nghi ngờ gì nữa, sự giảm tốc đang diễn ra là rất nghiêm trọng”, một vị chuyên gia nhận xét...

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc nghiêm trọng, thấp nhất 27 năm

Trung Quốc ngày 18/10 cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý 3 vừa qua tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong vòng ít nhất 27 năm rưỡi - theo dữ liệu của hãng tin Reuters.

Ngoài ra, mức tăng này cũng thấp hơn so với dự báo của giới phân tích. Trước khi số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố chính thức, các chuyên gia được Reuters khảo sát đã dự báo mức tăng 6,1%.

Như vậy, kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục xu hướng giảm tốc mạnh dưới sức ép của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong quý 2 , nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 6,2%.

Quý 1/2018, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng 6,8%, và kể từ đó không ngừng tăng chậm lại.

Theo ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược khu vực châu Á thuộc ngân hàng Mizuho, ngoài thương chiến, kinh tế Trung Quốc còn chịu tác động tiêu cực từ chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế mà Chính phủ nước này triển khai mấy năm gần đây.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, sự giảm tốc đang diễn ra là rất nghiêm trọng”, ông Varathan nhận xét.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 trong khoảng 6-6,5%. Với sự giảm tốc đang diễn ra, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng chỉ đạt cận dưới của khoảng mục tiêu đề ra.

Giới chuyên gia nói rằng sự giảm tốc của nền kinh tế nước này sẽ không dừng ở đây. Quan điểm bi quan được duy trì cho dù số liệu công bố ngày 18/10 có một số điểm sáng.

Doanh thu bán lẻ tháng 9 của Trung Quốc tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng công nghiệp tăng 5,8%, đầu tư tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm tăng 5,4%.

“Dù tình hình tháng 9 khá lên, sức ép lên hoạt động kinh tế sẽ gia tăng trong những tháng sắp tới”, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nhận xét.

“Nhu cầu toàn cầu yếu đi sẽ tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng. Những hạn chế về ngân sách đồng nghĩa với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ yếu đi trong ngắn hạn, và cơn sốt xây dựng gần đây có vẻ đang nguội dần”, ông Evans-Pritchat nói trong một báo cáo.

Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Bo Zhuang của TS Lombard cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ còn giảm ít nhất trong 2 quý nữa. Ông Zhuang dự báo nền kinh tế này chỉ tăng 5,8% trong quý 4 năm nay, đưa mức tăng cả năm đạt 6,1%.

“Xét đến cuộc đàm phán thương mại và xung đột với Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đang chấp nhận mức tăng trưởng yếu đi”, vị chuyên gia nhận xét.

Giới phân tích cũng dự báo Trung Quốc sẽ sớm triển khai thêm các biện pháp kích cầu để hỗ trợ nền kinh tế.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài gần một năm rưỡi, với thuế quan được hai bên mạnh tay áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Trong vòng đàm phán gần đây nhất, hai nước đạt thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” nhằm giảm căng thẳng. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, thỏa thuận này có thể được hoàn tất sau 3 tuần, nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận này.

“Đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã yếu đi từ nửa sau 2018, do sự giảm tốc của lĩnh vực công nghiệp và tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng yếu đi”, chuyên gia kinh tế cấp cao Li Wei của Standard Chartered ở Thượng Hải nói với hãng tin Bloomberg. “Xung đột thương mại kéo dài với Mỹ khiến tâm lý chịu ảnh hưởng nặng nề. Có thể Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng và tốc độ tăng của nền kinh tế đang có nguy cơ giảm dưới mục tiêu chính thức”.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.