Châu Á thiệt hại nặng nề vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Đối với hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gây thiệt hại nặng nề cho chuỗi cung ứng có liên quan tới Trung Quốc trong khu vực này.

Châu Á thiệt hại nặng nề vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Châu Á thiệt hại nặng nề vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Nikkei Asia Review vừa đăng tải bài phân tích của tác giả Kentaro Iwamoto, kim ngạch xuất khẩu của các nền kinh tế lớn nhất châu Á đều bị suy giảm, trong khi một số nền kinh tế Đông Nam Á khác lại hưởng lợi. Theo nội dung bài phân tích, kim ngạch xuất khẩu của các nền kinh tế chủ chốt ở châu Á đã sụt giảm mạnh trong tháng 6/2019 do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng có kết nối mật thiết với Trung Quốc ở khu vực này.

Các số liệu chính thức cho thấy, 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc, đã chứng kiến sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6/2019. Các nền kinh tế lớn khác như Thái Lan và Singapore cũng phải trải qua xu hướng tương tự. Thông tin trên được đưa ra sau khi Trung Quốc thông báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua. Tình hình đang tiếp tục xấu đi khi sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu hiện nay cũng nghiêm trọng không kém so với thời điểm năm 2015, khi nền kinh tế Trung Quốc bị tác động bởi sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán.

Hôm 10/5, Mỹ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các số liệu thống kê trong tháng 6/2019 đã phản ánh tác động của việc tăng thuế đối với hoạt động thương mại giữa hai nước. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 1,3% trong tháng 6/2019 so với mức tăng 1,1% trong tháng 5. Nhà phân tích Margaret Yang của công ty CMC Markets có trụ sở ở Singapore nhận xét: “Sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu của châu Á là kết quả của sự suy giảm về nhu cầu trên thế giới và việc tăng thuế… Mức thuế 25% đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn tác động tiêu cực tới nhập khẩu của nước này. Vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nền kinh tế ở châu Á nên việc Mỹ tăng thuế cũng tác động tới thương mại trong khu vực này”.

Đặc biệt, các vật liệu bán dẫn và các thiết bị liên quan đang bị tác động nặng nề. Ở Singapore, trong tháng 6/2019, xuất khẩu các mạch tích hợp đã giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu các hàng hóa phi dầu mỏ giảm 17% xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Các sản phẩm bán dẫn do Singapore sản xuất chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Ông Ang Wee Seng, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Singapore, cho biết cùng với Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore là một trong những trung tâm xuất khẩu vật liệu bán dẫn của châu Á. Ông nói: “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng này. Vì vậy, nếu một nguồn cung cho hệ thống nhất định bị giảm, mọi thứ khác trong hệ thống sẽ giảm theo”. Đối với Nhật Bản, trong tháng 6/2019, xuất khẩu của nước này đã giảm 7%. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của nước này sụt giảm. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 10%. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu thiết bị sản xuất thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc bị tác động nặng nề nhất.

Tại Thái Lan, trung tâm chế tạo ô tô và hàng điện tử, xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 6/2019 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi ghi nhận mức giảm 7% trong tháng 5. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan giảm 2%. Bà Pimchanok Vonkorpon, Tổng Giám đốc Cục Chính sách và Chiến lược Thương mại Thái Lan, cho rằng sự sụt giảm này rõ ràng là hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Bà Vonkorpon nói: “Cuộc chiến thương mại này sẽ tiếp tục tác động tới xuất khẩu của Thái Lan trong quý III/2019”. Các hãng gia công, chế tạo ở Trung Quốc đã giảm sản lượng do lo ngại về sự suy giảm nhu cầu ở Mỹ. Điều này đã tác động tiêu cực tới các hãng sản xuất ở Thái Lan có liên quan tới các hãng gia công, chế tạo này và các đối tác thương mại khác ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc đồng baht mạnh lên, hiện đứng ở mức 30,9 baht/USD, cũng cản trở hoạt động xuất khẩu của Thái Lan. Bà Ghanyapad Tantipipatpong, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu quốc gia Thái Lan, cho hay các nhà sản xuất muốn tỷ giá giữa đồng baht và USD dao động trong khoảng 32-33 baht/USD, và kêu gọi thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự tăng giá của đồng nội tệ. Đối với Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu của nước này cũng giảm 10% trong tháng 6 sau khi tăng 4% trong tháng trước đó. Mặc dù ít có quan hệ với các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc hơn các nước khác nhưng sự suy giảm này có vẻ như do giá dầu thô giảm sút. Lĩnh vực công nghiệp cũng bị tác động do các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may bị suy giảm mạnh. Nhiều khả năng nhu cầu toàn cầu suy yếu đã bắt đầu tác động tiêu cực tới quốc gia Nam Á này. Trong khi đó, một số nước Đông Nam Á khác được hưởng lợi nếu các doanh nghiệp tiếp tục rời khỏi Trung Quốc, nhưng có thể vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động này.

Nhà phân tích Yang của CMC Markets nói: “Do nền kinh tế thế giới đang giảm tốc, các ngân hàng trung ương lớn đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất và thực hiện thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng. Kết quả là tỷ lệ tăng trưởng có thể bắt đầu tăng sớm nhất là vào quý IV/2019 hoặc trong năm tới”. Bà Yang nhận định: “Chu kỳ hồi phục thương mại sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tốc độ triển khai 5G ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Nhân tố thứ hai có thể sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về vật liệu bán dẫn, hàng điện tử và thiết bị thông tin liên lạc”. Tuy nhiên, báo cáo gần đây của tổ chức Capital Economics đã phủ bóng đen lên triển vọng toàn cầu.

Báo cáo này nêu rõ: “Chúng tôi không kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ chạm đáy cho đến năm tới… Các cuộc đàm phán thương mại sẽ bị thất bại. Trong khi đó, sự suy giảm về nhu cầu ở Trung Quốc sẽ tác động lên hoạt động nhập khẩu trong những tháng còn lại của năm nay”.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.