Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - 7 tháng đầu năm 2022, Hà Tĩnh có 911 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn gần 5.420 tỷ đồng, tăng 43% về số lượng, 15% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021.

Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.vn.

Sáng 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp (DN) với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Cùng điều hành hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.

Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và một số DN trên cả nước tham dự hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sau 2 năm chống dịch và 7 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh, chúng ta đã làm được.

Về kinh tế, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, GDP tăng 7,72% trong quý II/2022; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nhìn chung được nâng lên.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam; khó khăn, thách thức cộng đồng DN đang đối mặt; kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng DN, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình phát triển DN trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Baochinhphu.vn

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, thời gian qua, nhờ sự nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển DN kịp thời của Chính phủ cũng như sự chủ động thích ứng của cộng đồng DN, khu vực DN đã có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.

Đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871.000 DN đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019.

Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2022, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trên 130.000 DN, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2022 là 620.975 lao động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Lãnh đạo các sở, ngành Hà Tĩnh tham dự hội nghị.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã có sự phục hồi rõ rệt. Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa của các DN trong một số ngành phục hồi trên 75 - 85% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Doanh thu 7 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực DN tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Niềm tin vào đầu tư kinh doanh của DN tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Cu thể, gần 92% DN dự báo giữ nguyên quy mô hoặc mở rộng sản xuất trong quý III/2022 so với quý II; 85% DN ngành chế biến chế tạo dự kiến sản xuất kinh doanh ổn định và tốt lên trong quý III.

Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối đến các tỉnh, thành trên cả nước.

Mặc dù có sự phục hồi, tuy nhiên thực tế các DN Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu cả về số lượng, chất lượng. Số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỉ lệ DN giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế; nhiều DN còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn...

Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích tác động của bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình sản xuất của các ngành, DN lớn từ đầu năm tới nay; nhận diện những khó khăn trong thời gian tới và đề xuất các kiến nghị khắc phục điểm nghẽn trong triển khai các chính sách hỗ trợ để hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng DN trong công tác phòng chống dịch, phát triển KT-XH thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn của DN do tác động của đại dịch COVID-19 và những yếu tố bất lợi ảnh hưởng từ tình hình biến động thế giới.

Tìm cơ hội trong thách thức để doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vỹ mô; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy phát triển an toàn, bền vững, công khai minh bạch các loại thị trường như bất động sản, lao động...; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số...

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảm an ninh, an toàn xã hội để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người dân; rà soát và có kế hoạch kịp thời, hiệu quả xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của DN trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị.

Thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, giúp DN định hướng mở rộng thị trường; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ các rào cản về pháp lý ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; tiếp tục nghiên cứu các chính sách có liên quan hỗ trợ phát triển DN; kiểm soát dịch bệnh; kết nối đảm bảo cung cầu lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động...

Các tổ chức hiệp hội DN cần phát huy vai trò hỗ trợ các DN thành viên, đẩy mạnh hoạt động kết nối, giúp DN chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tìm ra cơ hội trong thách thức để DN phục hồi nhanh, phát triển bền vững; nâng cao sức cạnh tranh, trình độ quản lý, quản trị kinh doanh... để DN kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Các DN cần tiếp cận và chủ động ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động thực tiễn DN; chú trọng xây dựng văn hóa, đạo đức DN, trách nhiệm xã hội của DN; xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên, có trách nhiệm với người lao động, cộng đồng xã hội.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 911 DN được thành lập mới với tổng vốn gần 5.420 tỷ đồng, tăng 43% về số lượng, 15% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021. Số DN quay lại thị trường hoạt động là 276 DN, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường gấp 2,7 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 7.000 DN đang hoạt động.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 như du lịch, vận tải, bán lẻ… đã từng bước phục hồi. Khu vực DN có nhiều đóng tích cực vào tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án, trong đó 11 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.890 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast