EVN tăng giá điện, khách hàng sẽ chi thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?

(Baohatinh.vn) - Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện mới chính thức được áp dụng. Theo đó, mỗi hộ dân tại Hà Tĩnh sẽ chi trả thêm tiền điện hằng tháng với mức tăng tùy thuộc vào từng đối tượng sử dụng.

Mới đây, vào ngày 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức thông báo quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%. Bảng giá bán lẻ điện mới bắt đầu được áp dụng từ ngày 10/5.

Theo EVN, việc điều chỉnh giá điện quy định tại Nghị định số 72/2025/NĐ-CP ngày 28/3/2025 quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên.

Với bảng giá bán lẻ điện được áp dụng từ ngày 10/5, các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt sẽ trả thêm từ 4.550 đồng đến hơn 65.050 đồng/tháng/hộ, tùy theo mức sử dụng.

Bảng giá điện bán lẻ mới cho điện sinh hoạt tăng như sau:

Các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng

Các hộ sử dụng từ 51 - 100 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng.

Các hộ dân sử dụng từ 101 - 200 kWh (nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.

Các hộ sử dụng điện từ 201 - 300 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.

Các hộ sử dụng điện từ 301 - 400 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.

Đối với các hộ sử dụng điện từ 400 kWh trở lên, mức tăng tiền điện khoảng trên 65.050 đồng/hộ/tháng.

Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện được quy định sẽ bảo đảm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Riêng đối với khách hàng kinh doanh dịch vụ, mức tăng trung bình mỗi khách hàng là 332.000 đồng/tháng; khách hàng sản xuất sẽ trả thêm trung bình là 677.000 đồng/tháng/khách hàng; khách hàng hành chính sự nghiệp, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm 125.000 đồng/tháng.

1.jpg
Công ty Điện lực Hà Tĩnh hiện cấp điện cho gần 480.000 khách hàng, trong đó, 62% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.

Công ty Điện lực Hà Tĩnh hiện cấp điện cho gần 480.000 khách hàng, trong đó, 62% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt và 38% khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt. Năm 2024, sản lượng điện thương phẩm thực hiện đạt gần 1,6 tỷ kWh, đáp ứng nhu cầu sử dụng, sản xuất, kinh doanh của khách hàng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước đợt điều chỉnh giá điện mới, Công ty Điện lực Hà Tĩnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, sử dụng điện năng hiệu quả nhằm đồng hành cùng ngành điện nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cấp điện ổn định trong mùa nắng nóng đang vào cao điểm.

Ông Nguyễn Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP May BGG Hương Sơn (Khu công nghiệp Khe Cò – Hương Sơn) cho biết: “Hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu với dây chuyền máy móc khá lớn nên mức tiêu thụ điện năng của công ty khá lớn, khoảng 120 triệu đồng/tháng vào mùa hè và 80 triệu đồng/tháng vào các tháng khác. Thêm vào đó, công ty mới đi vào hoạt động, giai đoạn kiến thiết vẫn tiếp tục đầu tư nên phải “gánh” chi phí phát sinh mỗi tháng lớn, việc điều chỉnh giá điện chắc chắn sẽ là thử thách đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Trước mắt, ban lãnh đạo công ty sẽ xây dựng phương án điều tiết sử dụng điện hợp lý trên toàn nhà máy, tiết giảm và hạn chế tối đa những khu vực không cần thiết để ưu tiên cho dây chuyền sản xuất hoạt động thông suốt, ổn định. Về lâu dài, công ty đang tiếp tục thu hút lao động để mở rộng hợp đồng với nhiều đối tác, tăng quy mô hoạt động, từ đó góp phần giảm chi phí đầu vào cho công ty”.

bqbht_br_1-3004.jpg
Mỗi tháng, Công ty CP May BGG Hương Sơn sản xuất trên 130.000 sản phẩm (10 dây chuyền), chủ yếu xuất khẩu đi các nước như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh khác cũng đang tự tìm cho mình phương án sử dụng điện năng hiệu quả nhất, cân đối để không làm phát sinh quá nhiều chi phí cho tiền điện. Chẳng hạn như, tiết kiệm sử dụng điện vào những giờ cao điểm, tăng cao hiệu suất lao động, sản xuất ở những giờ thấp điểm… Các hộ gia đình cũng giảm số giờ sử dụng điện nhất có thể, ưu tiên các thiết bị tiết kiệm điện…

bqbht_br_2.jpg
Người dân Hà Tĩnh cũng chuẩn bị cho mình các giải pháp tiết kiệm điện tối ưu nhằm kiểm soát tốt các chi phí sinh hoạt khi giá điện tăng.

Bà Nguyễn Thị Thi ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nhu cầu sử dụng các thiết bị về điện ngày càng tăng, gần như tất cả các thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình đều cần điện. Đúng vào thời điểm bắt đầu nắng nóng, giá điện lại điều chỉnh tăng thì chắc chắn hóa đơn tiền điện của gia đình tôi sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của gia đình”.

Nhiều người dân cũng lo lắng, không chỉ hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình, doanh nghiệp, việc tăng giá của mặt hàng thiết yếu mang tính đầu vào đầu tiên như điện sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá “ăn theo” của tất cả các dịch vụ, lĩnh vực khác. Đây sẽ là một thách thức đối với đời sống của người dân cũng như tăng trưởng sản xuất của các thành phần kinh tế.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Gần 30 năm trên hành trình xây dựng và phát triển, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn đồng hành cùng cả nước đánh thức, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị, là động lực phát triển của 2 nước Việt - Lào.
Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu có trọng tải 40.000 tấn vào cảng số 3 Vũng Áng (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhận hàng Kali của doanh nghiệp Lào xuất khẩu đi Nhật Bản. Các thành viên thủy thủ đoàn hài lòng vì cầu cảng đáp ứng các thông số kỹ thuật đề ra.
Nâng cao năng lực hoạt động của cảng quốc tế Lào - Việt Nam

Nâng cao năng lực hoạt động của Cảng quốc tế Lào - Việt

Với nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và việc đầu tư đồng bộ thiết bị xếp dỡ hàng hóa, các bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn sôi động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Vướng mặt bằng, nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ

Vì sao nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ?

Trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện có nhiều dự án xây dựng hạ tầng được triển khai nhưng một số công trình chậm tiến độ. Hãy đi tìm câu hỏi vì sao xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Yếu tố then chốt đưa 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh “về đích” trước 6 tháng

Yếu tố then chốt đưa 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh “về đích” trước 6 tháng

2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh thông xe nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực về giao thông mà còn mở ra không gian, động lực phát triển mới cho Hà Tĩnh. Đó cũng là niềm tự hào của Hà Tĩnh và chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi đã cùng nỗ lực, quyết tâm cao, vượt tiến độ 6 tháng.