Là người có thâm niên hơn 20 năm trồng và phát triển rừng, sở hữu diện tích rừng trồng lớn nhất trên địa bàn xã Đức Lạng với 15 ha, anh Võ Tất Thắng (thôn Tân Quang) cho biết, trong những ngày thời tiết nắng nóng, dù một phút giây lơ là cũng có thể gây nên những thiệt hại nặng nề.
“Toàn bộ diện tích rừng là nguồn thu nhập chính của gia đình, mỗi năm đem về hàng trăm triệu đồng. Năm nào cũng vậy, vào mùa nắng nóng, tôi tập trung cao điểm cho việc chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy rừng. Trong đó, triển khai các phần việc như phát dọn rừng, dọn dẹp vật liệu dễ cháy, đảm bảo an toàn khi sản xuất tại rừng, phối hợp với lực lượng chức năng gắn biển cấm lửa, xây dựng đường băng cản lửa…” – anh Võ Tất Thắng chia sẻ.

Nông trường Đức Thọ (thuộc Công ty Cao su Hương Khê) đang quản lý gần 1.000 ha rừng, trong đó có 320 ha rừng trồng cao su từ 15-17 năm tuổi, còn lại là keo và rừng tự nhiên. Hiện nay, hầu hết diện tích rừng cao su của Nông trường Đức Thọ đã và đang cho thu hoạch mủ với sản lượng cao. Việc bảo vệ rừng là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Phan Xuân Hải – Giám đốc Nông trường Đức Thọ chia sẻ: “Vào đầu mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động gắn các biển cấm lửa ở tất cả các cửa rừng, bìa rừng, khu vực rừng có nguy cơ dễ cháy, tu sửa các biển tường với nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, việc phát dọn thực bì làm đường băng cản lửa được đơn vị thực hiện liên tục trong cả tháng nay”.


Không chỉ tại các nông trường hay các chủ sở hữu rừng, công tác phòng chống cháy rừng còn được các địa phương trên địa bàn huyện Đức Thọ triển khai đồng bộ, hiệu quả. Điển hình như xã Tân Hương – một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất trên toàn huyện với 1.200 ha, phân bố liền kề, trải đều tại 4/4 thôn - công tác tuyên truyền về phòng chống cháy rừng được triển khai từ các thôn, xóm đến các trường học trên địa bàn. Đến nay, 100% rừng ở xã Tân Hương đều đã được giao về cho người dân trồng, quản lý và khai thác. Địa phương cũng đã kiện toàn và hoạt động hiệu quả ban chỉ đạo, 4 đội bảo vệ, xung kích PCCCR.

Tại xã Đức Đồng, ngay từ đầu mùa nắng nóng, nhiều giải pháp thiết thực đã được thực hiện nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân và chủ rừng về nguy cơ cháy rừng. Ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã Đức Đồng chia sẻ: “Đức Đồng là xã miền núi có diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, có nguy cơ xâm hại cao trên địa bàn toàn huyện. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng và phát triển rừng. Vì vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã thành lập các đội phòng cháy chữa cháy rừng để trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống cháy khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu địa hình, hiện trạng rừng, diễn tập ứng cứu cũng được lực lượng kiểm lâm, địa phương và người dân phối hợp thực hiện linh hoạt, hiệu quả".
Lường trước nhiều khó khăn, thách thức về phòng chống cháy rừng trong điều kiện nắng nóng, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ cũng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực rừng trọng điểm. Mỗi ngày, các tổ bảo vệ rừng ở Đức Thọ đều tổ chức hành trình tuần tra trong nắng gắt; cập nhật bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã.

Ông Đinh Đức Lộc – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ chia sẻ: “Xác định việc bảo vệ rừng, giữ rừng không chỉ là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm hay chính quyền địa phương mà là nhiệm vụ của toàn xã hội, ngay từ đầu năm, Hạt kiểm lâm huyện đã kiện toàn các ban chỉ đạo, tổ xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phân công cụ thể cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên tất cả cánh rừng; xây dựng “kịch bản” cho những tình huống không may xảy ra khi mới phát hiện lửa. Qua đó, đảm bảo lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của Nhân dân”.
Sự chủ động của ngành chuyên môn, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Đức Thọ góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tạo sự chủ động, linh hoạt trong các tình huống không may xảy ra. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn.