Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ...
Huyện Kỳ Anh hiện có 50.563 ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp (chiếm trên 66% diện tích tự nhiên) phân bố trên 19 xã; trong đó, phân theo nguồn gốc có 19.748 ha rừng tự nhiên, 19.733 ha rừng trồng, 7.740 ha diện tích rừng trồng chưa thành rừng, 3.342 ha diện tích đất lâm nghiệp.
Sau khi Nghị quyết 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh được ban hành, huyện Kỳ Anh tổ chức học tập, quán triệt đến tận đội ngũ cán bộ cốt cán cấp huyện, xã, đồng thời chỉ đạo cấp ủy các địa phương, đơn vị triển khai phổ biến đến tận đội ngũ cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân một cách kịp thời, hiệu quả.
Huyện cũng đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh Trần Thành Nam báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/HUBTV Huyện ủy.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện chủ động phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; kiểm tra, rà soát các vụ việc còn tồn đọng về bảo vệ rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật; chỉ đạo các xã, chủ rừng kiểm tra, rà soát các diện tích rừng trọng điểm có nguy cơ bị chặt phá, xẻ phát, lấn chiếm, cháy rừng để xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng.
Kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã tu sửa 18km đường băng cản lửa, hàng chục km đường đi chữa cháy rừng; xây mới 5, tu sửa 17 biển tường cố định phục vụ tuyên truyền …
Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hơp Nguyễn Văn Hóa nêu một số giải pháp bảo vệ rừng trên địa bàn
Tính đến 31/12/2021, độ che phủ rừng huyện Kỳ Anh là 52,3%; huyện làm tốt công tác bảo vệ, phát triển bền vững rừng phòng hộ, đặc dụng hiện có theo quy hoạch đã được phê duyệt, nâng cao giá trị rừng trồng sản xuất, đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học.
Các sản phẩm hàng hóa như: gỗ nguyên liệu và cây ăn quả, chè trên đất lâm nghiệp phát triển thuận lợi; các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác và hộ dân được hình thành; các loại hình tổ chức sản xuất đa dạng; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được tăng cường; các tiến bộ khoa học, công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng rãi vào sản xuất.
Phó Hạt trưởng phụ trách Kiểm lâm huyện Kỳ Anh Nguyễn Đình Lưu trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên.
Từ 2018 đến nay, cơ quan chức năng trên địa bàn đã xử lý và tham mưu xử lý 44 vụ vi phạm vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu hơn 47 m3 gỗ, 1 cưa xăng, thu nộp ngân sách hơn 424 triệu đồng; UBND các xã xử lý 35 vụ, xử phạt hành chính 82,7 triệu đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã phân tích các nguyên nhân một số tồn tại, hạn chế và xác định các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phát huy tiềm năng lợi thế rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian tới.
Dịp này, huyện Kỳ Anh cũng đã sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/HU BTV Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và săn, bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên trên địa bàn huyện Kỳ Anh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành nhấn mạnh, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, và cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm của huyện đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch, sát đúng với tình hình thực tế địa phương. Phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh quy hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế từ rừng và đất lâm nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp…
Quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, lâm nghiệp, nông dân nhằm định hướng, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại. Xây dựng các mô hình liên kết trong công tác quản lý bảo vệ rừng, sản xuất lâm nghiệp tập trung phát triển kinh tế tập thể.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, xây dựng phát triển diện tích rừng trồng cây gỗ lớn, rừng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên đất lâm nghiệp, đảm bảo sản phẩm nông lâm nghiệp làm ra có giá trị hàng hóa cao, môi trường được giữ vững; tạo vùng sản xuất tập trung theo đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, bám sát địa bàn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép động vật, các loài chim hoang dã trên môi trường mạng, tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn...
Ghi nhận thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho Đồn Biên phòng Kỳ Khang.
BTV Huyện ủy Kỳ Anh tặng giấy khen cho 7 tập thể...
và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp..