Cận cảnh rễ cây bồ đề bám vào tháp cổ phía sau đền Gôi Vỵ.
Đền Gôi Vị được xây dựng vào năm 1715, thờ bốn vị phúc thần có công với nước với dân của các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ bao đời nay, đền Gôi Vị luôn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, có giá trị trong giáo dục truyền thống của địa phương. Năm 2015, đền được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hậu đền Gôi Vị là một tháp am cao 3 tầng, được xây bằng gạch vồ theo hình chóp, chiều cao 3,7 m, chiều rộng bề mặt mỗi bức tường của tháp 1,7m; phía trước tầng 1 và tầng 2 có 2 cửa hình vòm.
Đặc biệt, bao bọc quanh tháp am là cây bồ đề cổ thụ với bộ rễ cứng cáp, cành lá sum suê, xanh tốt quanh năm. Cụ Đinh Nho Quỳ - tộc trưởng họ Đinh cho biết, khi cụ còn nhỏ đã thấy bộ rễ của cây bồ đề bám xung quanh am và cao hơn đỉnh tháp am khoảng hơn 1 m. Theo nhiều người am hiểu cây cảnh trong vùng, dựa vào bộ rễ có thể xác định độ tuổi của cây là hơn 200 năm.
Trước mặt tiền tháp cổ.
Cây bồ đề có thế “mẫu tử”, chiều cao khoảng 18m, tán lá rộng 10m. Đặc biệt là bộ rễ rêu phong, to lớn bám chắc xung quanh am. Có lẽ chính vì vậy, mà qua bao nhiêu trận lụt bão, thiên tai khắc nghiệt nhưng tháp am cổ vẫn còn nguyên vẹn.
Với độ tuổi của cây bồ đề cũng như giá trị văn hóa lịch sử của đền Gôi Vị, cây này xứng đáng được đề nghị Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là cây di sản.
Để giữ gìn và bảo quản tháp am và phục vụ du khách đến thăm viếng thuận lợi, vừa qua, vị tộc trưởng họ Đinh Nho đã huy động con cháu phát quang cây cố, láng nền bê tông xung quanh khu vực tháp am.
200 tuổi có lẻ, cây bồ đề vượt qua bão giông, qua bao lẽ biến cải của đất trời, trường tồn với dòng họ Đinh và quê hương đất nước.