Ông Trần Văn Kỳ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
PV: Ông có thể cho biết, tại sao HĐND tỉnh lại tổ chức kỳ họp chuyên đề vào thời điểm này trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ họp thường lệ cuối năm 2021?
Ông Trần Văn Kỳ: Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương: “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan”. Như vậy, kể từ ngày 1/7/2020 (khi Luật có hiệu lực thi hành) thì Thường trực HĐND các cấp chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được luật giao, không áp dụng các văn bản dưới luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND.
Căn cứ vào quy định nói trên, hiện nay, các nội dung HĐND tỉnh phải xem xét, quyết định tăng lên rất nhiều, nhất là trên lĩnh vực đầu tư phát triển, tài chính - ngân sách... Các nội dung này phát sinh liên tục, yêu cầu cần xem xét, quyết định ngay và nếu chờ đến kỳ họp thường lệ hằng năm (kỳ họp 6 tháng, cuối năm) thì sẽ chậm trễ trong triển khai thực hiện dẫn tới việc có thể không đạt hiệu quả như mong muốn.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 2 - kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra vào ngày 17/7/2021.
Bên cạnh đó, nội dung trình tại kỳ họp thường lệ rất nhiều. Khối lượng lớn báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết... đã gây không ít áp lực cho công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh và khiến việc nghiên cứu, góp ý của đại biểu kiêm nhiệm khó khăn hơn. Điều này dẫn đến thực tế, các đại biểu chỉ tập trung vào một số đề án, báo cáo có liên quan trực tiếp đến địa phương, đơn vị mình.
Như vậy có thể thấy, việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề một cách hợp lý sẽ giúp HĐND tỉnh xem xét, quyết định kịp thời nội dung thuộc thẩm quyền và giảm áp lực cho kỳ họp thường lệ. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm cơ quan tham mưu nội dung trình kỳ họp, của đại biểu HĐND; góp phần nâng cao chất lượng các quyết định của HĐND tỉnh, giải quyết vấn đề trong điều hành phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Đại biểu biểu quyết thông qua các tờ trình, nghị quyết tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII.
PV: Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh dự kiến sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của Hà Tĩnh, ông có thể cụ thể thêm về điều này?
Ông Trần Văn Kỳ: Kỳ họp thứ 3 dự kiến sẽ bàn bạc và xem xét 14 nội dung quan trọng với 13 nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều vấn đề có tính chất nền tảng và là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong cả nhiệm kỳ; đảm bảo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Các nội dung sẽ được đưa ra để đại biểu HĐND tỉnh bàn bạc, thảo luận và quyết định là: Nghị quyết đảm bảo an ninh nông thôn, đô thị phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2021 - 2026; Đề án nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2026; Nghị quyết đảm bảo cơ sở vật chất cho công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
Công an xã Thạch Lạc (Thạch Hà) thường xuyên theo dõi tình hình ANTT thông qua hệ thống camera an ninh.
Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; Di dời, tái định cư các hộ dân thôn Hải Phong 1 và Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh; Quy định danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025; Giá thu tiền sử dụng đất tái định cư đối với các hộ dân tại Khu tái định cư Đông Yên, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh; Cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh sẽ xem xét Nghị quyết hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng.
Danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất; Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2021; Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Hỗ trợ kinh phí hoạt động Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng; Bãi bỏ Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về Chính sách phát triển công nghệ sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Đáng chú ý là tờ trình, dự thảo Nghị quyết hỗ trợ kinh phí hoạt động Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng. Để kịp thời động viên, nâng cao trách nhiệm, năng lực các lực lượng phòng, chống dịch tại cơ sở thì việc xem xét, hỗ trợ cho thành viên Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác cũng được xem xét tại kỳ họp lần này đó là cơ chế chính sách tạo nguồn lực xây dựng TP Hà Tĩnh.
Không gian đô thị TP Hà Tĩnh ngày càng hiện đại, văn minh
Để xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh trở thành đô thị có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thì việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo nguồn lực cho thành phố để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Qua theo dõi công tác chuẩn bị của UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan; tin tưởng, Kỳ họp thứ 3 sẽ hoàn thành tốt các nội dung và chương trình đề ra, qua đó, góp phần đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN gắn với phòng chống dịch COVID-19.
PV: Xin cảm ơn ông!