Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, hồi tháng 1/2022. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Giới thiệu chương trình và nội dung Kỳ họp, Phó Tổng ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 5/1/2023. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 4 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023).
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Việc tổ chức Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống. Về công tác xây dựng pháp luật, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Quốc hội cũng xem xét, thông qua ba nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định công tác nhân sự là nội dung quan trọng của Kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tập hợp những ý kiến của các cơ quan liên quan, thực hiện theo đúng Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy Kỳ họp.
Chiều 4/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể, cho ý kiến và quyết định trình Quốc hội một số nội dung về nhân sự.
Cũng trong chiều 4/1, Quốc hội sẽ họp phiên trù bị để thông qua chương trình Kỳ họp bất thường lần 2, trong đó có nội dung về công tác nhân sự.
Dự kiến, có ba nội dung về công tác nhân sự, gồm việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm và phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm nhân sự mới thay thế những người vừa miễn nhiệm.
Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, công tác nhân sự là công việc thường xuyên và là việc làm hệ trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhiều lần tại các kỳ tổng kết, công tác cán bộ của Đảng là “then chốt của then chốt.” Lúc sinh thời, Bác Hồ đã có nhiều lời giáo huấn và chỉ dạy trong lựa chọn công tác cán bộ.
Do đó, việc lựa chọn nhân sự để bố trí hay kịp thời thay thế các vị trí là bình thường. Việc phát hiện nhân tài, bố trí sử dụng cán bộ để đảm bảo gánh vác công việc chung của đất nước hay từng cơ quan, việc thay thế kịp thời đối với nhân sự không còn đảm bảo cũng là việc làm thường xuyên của Đảng.
Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới nêu rõ: Công tác cán bộ kiên trì chủ trương có lên, có xuống, có vào, có ra; phát hiện bố trí cán bộ có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo nhưng sẵn sàng xem xét kỷ luật, thay thế cán bộ không còn đảm bảo.
Theo Thông báo Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, Bộ Chính trị cũng khuyến khích tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Khi cán bộ thấy mình không đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ thì được khuyến khích làm đơn xin thôi giữ các trọng trách, nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đại biểu.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 5/1/2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Nhấn mạnh công tác nhân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, Trưởng ban Công tác đại biểu khẳng định việc này được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ.
Liên quan đến những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu để quy định các nguyên tắc cơ bản nhất trong việc thực hiện xã hội hóa, tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với tự chủ bệnh viện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội thông tin, dự thảo Luật quy định, đối với bệnh viện công, Nhà nước bảo đảm nguồn chi các hoạt động do Nhà nước giao nhiệm vụ để thực hiện. Khi tự chủ, bệnh viện sẽ được tự chủ về tổ chức nhân sự, phát triển chuyên môn và các hoạt động khác theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết về tự chủ bệnh viện.
Về xã hội hóa, dự thảo Luật quy định theo hướng Nhà nước khuyến khích xã hội hóa và có chính sách ưu đãi; ghi nhận các hình thức xã hội hóa phổ biến và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn, chứ không dẫn chiếu theo Luật Giá. Dự thảo Luật cũng xác định yếu tố hình thành giá, chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh, nguyên tắc định giá, căn cứ định giá và thẩm quyền. Trong đó, giao Bộ Y tế quy định phương pháp định giá chung./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu