Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các các sở, ban, ngành, địa phương.
Trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài
Trả lời về các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh chất vấn liên quan đến công tác quản lý XKLĐ trên địa bàn, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc thông tin: Đến nay, Hà Tĩnh đang có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Angola, Lào, các nước Châu Âu. Số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực XKLĐ lao động trong thời gian qua tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm. Tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước đang là vấn đề đáng báo động.
Hà Tĩnh hiện có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nếu tính số lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động của nước sở tại, Hà Tĩnh có trên 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Tĩnh) chất vấn về các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn Hà Tĩnh
Phân tích những nguyên nhân của những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Ở Hà Tĩnh, số lao động di cư tự do ra nước ngoài làm ở nước ngoài là khá phổ biến và chiếm gần 50% tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài. Số lao động này xét về mặt pháp lý thì người lao động không vi phạm pháp luật của Việt Nam vì người lao động sử dụng hộ chiếu, VISA hợp pháp đi du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, du học…
Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu Kỳ Anh): Đề nghị lãnh đạo sở làm rõ tính xác thực của chỉ số giải quyết việc làm mới hàng năm. Đây là kết quả do các cấp chính quyền hay từ đâu?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu Kỳ Anh) về việc làm rõ tính xác thực của chỉ số giải quyết việc làm mới hàng năm. Đây là kết quả do các cấp chính quyền hay từ đâu?, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện Sở có rất nhiều phần mềm phục vụ thống kê thị trường lao động của địa phương. Trách nhiệm thống kê của xã, phường, thị trấn, có cập nhật. Tuy nhiên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận tính chính xác đang có vấn đề.
Chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh), Đào Anh Nga, Trần Việt Hà, Trần Hậu Tám (Tổ đại biểu Thạch Hà), Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh) yêu cầu làm rõ thêm các vấn đề: Giải pháp quản lý các doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia hoạt động XKLĐ trên địa bàn; làm thế nào để xử phạt đối với các lao động vi phạm; giải pháp nào để tăng số lượng người đi xuất khẩu nhưng lại giảm số lượng lao động bất hợp pháp?
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc đã trả lời một số nội dung và cam kết sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý hoạt động XKLĐ trên địa bàn.
Vì vậy, để thực hiện các biện pháp hạn chế hay xử lý là không có căn cứ. Bên cạnh đó, công tác quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng hết sức khó khăn vì tỉnh chỉ quản lý duy nhất 1 doanh nghiệp (Công ty CP Phát triển Công nghiệp và Xây lắp thương mại Hà Tĩnh - mỗi năm chỉ đưa 30-50 lao động Hà Tĩnh đi làm việc ở nước ngoài). Còn lại trên 9.000 người (chiếm 99%) do các doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh đưa đi, số doanh nghiệp này khá lớn - 410 doanh nghiệp với 1.000 chi nhánh cùng với các văn phòng, điểm tiếp nhận hồ sơ hoạt động “chui” trên địa bàn cả nước
Mỗi đơn vị tòa án cấp huyện chỉ có 3 thẩm phán nên khó khăn trong hoạt động
Trả lời chất vấn về chất lượng, quy trình bổ nhiệm thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Việc bổ nhiệm thẩm phán là hết sức chặt chẽ, đảm bảo quy định và do Chủ tịch nước ký quyết định. Các thẩm phán được bổ nhiệm đều phải đảm bảo các điều kiện hết sức khắt khe, ngoài đảm bảo về trình độ, chuyên môn thì còn cần phải có trên 5 năm hoạt động phấn đấu cán bộ.
Thông tin về đội ngũ thẩm phán hiện nay, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Đội ngũ cán bộ tiếp tục giảm (theo kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2017- 2021, tòa án hai cấp phải tinh giản tối thiểu 14 người), không được tuyển dụng mới công chức. Mỗi đơn vị tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có 3 thẩm phán (bao gồm chánh án, phó chánh án) nên rất khó khăn trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận.
Liên quan đến các giải pháp để nâng cao tỷ lệ hòa giải trong xét xử các vụ ly hôn, Chánh án TAND tỉnh khẳng định: Để nâng cao hiệu quả hòa giải, thẩm phán cần phải nâng cao trách nhiệm, kiên trì, chịu khó. Tăng cường sự phối hợp giữa tòa với các cơ quan, địa phương, đoàn thể trong công tác hòa giải; tập huấn sâu Luật Hôn nhân gia đình cho thẩm phán, đào tạo các thẩm phán chuyên biệt về án hôn nhân gia đình; phát huy vai trò của các tổ liên gia, tổ hòa giải cơ sở.
Đại biểu Đoàn Đình Anh (Tổ đại biểu HĐND huyện Cẩm Xuyên) chất vấn về vấn đề liên quan đến sự hợp tác, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vụ án dân sự
Về vấn đề tỷ lệ tội phạm đánh bạc, lừa đảo có xu hướng gia tăng, các bản án dành cho loại tội phạm này đã có sức răn đe chưa, Chánh án Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin ngày càng đồng bộ kéo theo sự hoạt động mạnh của các loại tội phạm này, hình thành các băng nhóm tội phạm.
Thời gian qua, Tòa đã xét xử và tuyên ngán nghiêm minh, có sức răn đe đối với loại tội phạm này. Tuy nhiên, để thực sự phòng ngừa, ngăn chặn được loại tội phạm này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; không ngừng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn: Trách nhiệm của chánh tòa là phải kiểm tra và giám sát, khi phát hiện có vấn đề thì phải làm rõ và xử lý cán bộ.
Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Chánh án TAND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng một số nội dung trả lời chưa thỏa mãn. Do vậy, chủ tọa thống nhất đề nghị những câu chất vấn, truy vấn chưa rõ thì chánh tòa phải chuẩn bị cho phiên họp giải trình của HĐND trong thời gian sớm nhất.
Đặc biệt, chú trọng về nội dung chất lượng xét xử phúc thẩm và sơ thẩm. Theo đó, trách nhiệm của chánh tòa là phải kiểm tra và giám sát, khi phát hiện có vấn đề thì phải làm rõ và xử lý cán bộ. Về vấn đề cải chính, xử án, mặc dù cách giải thích về mặt pháp lý không sai nhưng thực tiễn diễn ra còn nhiều hạn chế. Do vậy, chánh tòa phải làm rõ trách nhiệm của sơ thẩm…
Báo Hà Tĩnh tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.