Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Báo điện tử ĐBND |
Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên; đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang và đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, nhân dân và Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; đồng thời củng cố niềm tin, quyết tâm kế thừa và phát huy truyền thống đó trong thời kỳ cách mạng mới.
Ghi nhận những kết quả phát triển kinh tế-xã hội mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trong thời gian tới, Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quê hương cách mạng, thực hiện cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm chăm sóc gia đình chính sách, người có công, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), nhất là Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới công tác cán bộ, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nêu cao đạo đức cách mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...
Tiết mục văn nghệ ca ngợi Hồ Chủ tịch tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN |
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đã ôn lại sự kiện lịch sử ngày 20/5/1947 khi Bác Hồ và một số cán bộ chủ chốt của Trung ương về làm việc tại đồi Khau Tý, xóm Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) lãnh đạo kháng chiến. Từ đó, Thái Nguyên trở thành “Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn”. Tại đây, nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, vận mệnh của dân tộc đã được ban hành. Đặc biệt, ngày 6/12/1953 tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ.
Trong những năm kháng chiến đầy gian khổ hy sinh ấy, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã hết lòng bảo vệ An toàn khu Trung ương, chở che cho cán bộ cách mạng, cùng bộ đội chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương. Hiện 128 điểm di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã được bảo tồn, tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Năm 2012, ATK Định Hóa đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, tiếp tục khẳng định về vị trí, vai trò đặc biệt của ATK Định Hóa trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1954 đến 1963, Thái Nguyên đã vinh dự được đón Bác Hồ 7 lần về thăm. Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác… 83 tập thể, 17 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 552 bà mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh khá trong khu vực, thu ngân sách năm 2016 đạt trên 9.600 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng, giá trị xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn quốc, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ bảy cả nước.