Trung tá Nguyễn Xuân Cừ, người được giao trọng trách lái tàu T177, Phân đội 6, Khu tuần phòng 2 năm 1964
Sinh ra và lớn lên ở xã miền biển Cẩm Nhượng, năm 1961, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Cừ lên đường nhập ngũ. Ông được cấp trên cử đi học lái tàu ở Quảng Ninh.
Một năm sau, người lính trẻ Nguyễn Xuân Cừ nhận nhiệm vụ phụ trách lái tàu chiến T177, thuộc Phân đội 6, Khu tuần phòng 2, bảo vệ vùng biển từ Thanh Hóa đến Sông Gianh (Quảng Bình).
Hơn 20 năm phục vụ trong quân ngũ, đến tận bây giờ, Trung tá Nguyễn Xuân Cừ vẫn không thể nào quên ký ức về những trận đầu "thử lửa" của Hải quân nhân nhân dân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trước sự xâm phạm của đế quốc Mỹ.
Đêm 31 tháng 7 năm 1964, tàu khu trục hạm Ma - Đốc của Mỹ xâm phạm hải phận nước ta từ sông Gianh đến đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) để thăm dò các trận địa pháo bố phòng ven biển miền Bắc nước ta.
Thời điểm đó, lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam mới ra đời được 9 năm (7/5/1955 - 1964). Tuy tuổi còn non trẻ, vũ khí, trang bị thô sơ nhưng hải quân ta không hề nao núng khi đối mặt với lực lượng hải quân hùng mạnh với khu trục hạm tối tân của địch.
Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ ngày 5/8/1964 (Ảnh: Tư liệu)
"Nhận được tin báo, sáng 2/8, được lệnh của Bộ Tổng tham mưu Bộ tư lệnh Hải quân điều động tàu phóng lôi của Phân đội 3 và 2 tàu tuần tiễu xuất phát từ đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) ra đảo Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để ngăn chặn tàu chiến của Mỹ " - ông Cừ kể.
Tuy không trực tiếp tham gia trận đánh này, nhưng ông vẫn rành rọt diễn biến qua lời kể của đồng đội: "Khi tàu Ma - Đốc tiến vào đảo Hòn Mê, cách đó khoảng 16 hải lý về phía Đông, tàu phóng lôi thuộc phân đội 3 được lệnh, ngay lập tức xuất kích tấn công. Qua nhiều lần công kích, tàu địch bị trúng đạn, phải quay đầu "bỏ chạy" khỏi vùng biển nước ta. Sau đại chiến thế giới thứ 2, chưa có một quốc gia nào như Việt Nam dám đối chọi lại một đế quốc hùng mạnh về quân sự như Mỹ".
Sau trận đánh ngày 2/8, Mỹ dựng lên cái gọi là "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", lấy cớ để mở chiến dịch "trả đũa". Ngày 5/8/1964, hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, tấn công bất ngờ gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các kho tàng, mục tiêu trú đậu của Hải quân ta dọc ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Tại Quảng Bình, vào 12h20 phút ngày 5/8, 8 máy bay của địch chia làm 2 tốp, lao xuống bắn phá cảnh Gianh và tấn công tàu hải quân của ta đang làm nhiệm vụ tại cửa Roòn.
Được lệnh từ cấp trên, tàu T177 do người lính hải quân Nguyễn Văn Cừ trực tiếp cầm lái, cùng các tàu T173, T175 (Phân đội 6); T181, T183 (Phân đội 7) đã nhanh chóng cơ động chiến đấu, đánh trả các đợt công kích của máy bay địch.
Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ như in những giây phút đánh trả cuộc không kích của địch: "Lúc đó, máy bay địch chia làm nhiều lượt tập kích, hết lượt này đến lượt khác, bắn phá dồn dập. Tôi đảm nhận trọng trách cầm lái, theo mệnh lệnh của thuyền trưởng Nguyễn Đình Thuận, vừa tránh đường đạn của địch, vừa chuyển hướng tàu theo hướng tấn công của ta. Trên trời, máy bay địch chia thành từng tốp nhỏ, tập kích liên tục, bom, đạn trút xuống như mưa, nên việc di chuyển tàu gặp khó. Chậm thì trúng bom, mà nhanh quá thì sợ tàu va vào bờ. "
Tuy vũ khí được trang bị thô sơ nhưng với tinh thần quả cảm, cùng với sự giúp đỡ của lực lượng phòng không, dân quân tự vệ và người dân địa phương, tàu T177 cùng các tàu khác của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường bắn trả, đẩy lùi cuộc tập kích bằng không quân của địch.
Trong ngày 5/8, ta đã bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại, bắn bị thương nhiều chiếc khác, gây thiệt hại lớn về khí tài quân sự cho đế quốc Mỹ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt thân mật đoàn đại biểu Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc ngày 17/10/2016. Ông Nguyễn Xuân Cừ là một trong những đại biểu vinh dự có mặt. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Với nhiều thành tích trong thời gian phục vụ tại lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam, Trung tá Nguyễn Xuân Cừ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải Quân tặng thưởng nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương như: Huân chương Chiến công hạng 3, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Kỷ niệm chương đường Hồ Chí Minh trên biển....
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 đã tạo nên một mốc son chói lọi trong bề dày thành tích đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Hải quân nhân Việt Nam. Một năm sau ngày chiến thắng và nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, ngày 5/8/1965, Hải quân nhân dân Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi về những thành tích vẻ vang chiến thắng trận đầu. Từ đó, ngày 5/8 hàng năm trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là ngày đánh thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc đối với đối với không quân, hải quân Mỹ xâm lược |