Ông Nguyễn Tuấn Nhâm - Đảng viên lão thành, 68 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phù Việt (Thạch Hà).
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên của Đảng ta. Tuy vậy, so với những lần trước, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh các biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào cuộc sống, việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết đòi hỏi mỗi cấp ủy cần xác định rõ từng nội dung, hình thức, bước đi phù hợp, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải. Từng tập thể, cá nhân phải tự liên hệ, tự kiểm điểm có hay không có những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chú trọng công tác phòng ngừa, ngăn chặn, có sự kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.
Cán bộ, đảng viên mong Trung ương và tỉnh có cách làm quyết liệt, đồng bộ hơn. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là điều kiện để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đảng cầm quyền, niềm tin và sự mong mỏi của nhân dân.
Ông Phan Văn Nậm - Đảng viên gốc giáo, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cẩm Xuyên, nguyên Chủ tịch UBMTTQ huyện Cẩm Xuyên
Chúng tôi đồng tình rất cao với 4 nhóm giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Để đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; phát huy mạnh mẽ, thực chất hơn nữa vai trò của nhân dân, MTTQ và các đoàn thể. Muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân không có giải pháp nào hữu hiệu hơn là tiến hành công khai, minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin để người dân được biết, được bàn bạc; phải thực sự tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân.
Những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục thảo luận, làm rõ, tạo sự đồng thuận trước khi quyết định và triển khai thực hiện. Để củng cố niềm tin của dân với Đảng, khi đã xác định cán bộ, đảng viên thoái hóa thì phải chỉ rõ địa chỉ, ở bộ phận nào, cấp nào. Theo đó, phải quy trách nhiệm đến cùng; phải chỉ rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm chứ không thể nói chung chung…
Ông Trần Bá Trung - Bí thư chi bộ tổ dân phố 2, thị trấn Vũ Quang
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được kỳ vọng là sẽ giải quyết tốt những vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác xây dựng Đảng, nhất là về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Quán triệt tốt nội dung nghị quyết sẽ giúp ngăn ngừa sai phạm, giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận lại bản thân, tự đánh giá mình trong thực hiện nhiệm vụ cũng như rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tránh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và theo tôi, để đưa nghị quyết mới vào cuộc sống cũng như thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thì về mặt pháp luật cũng cần quy định cụ thể hơn, xử lý nghiêm minh hơn, đúng người, đúng tội đối với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, nhất là người đứng đầu.
Đại úy Hoàng Tiến Dũng - Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Công an huyện Hương Khê
Hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường âm mưu và các hoạt động chống phá với chiến lược “diễn biến hòa bình” hết sức tinh vi, nguy hiểm. Nhằm vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, bằng chiến tranh tâm lý, tư tưởng, lôi kéo về kinh tế, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và tự đánh mất mình. Để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện trên thì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thực sự là “bài thuốc” đặc trị.
Để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, mong rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền dân chủ, tính sáng tạo, công khai, minh bạch; có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với người tài; kiên quyết loại bỏ tư tưởng lợi ích nhóm, độc đoán, chuyên quyền. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; phát huy tính dân chủ, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia tố giác các hành vi vi phạm, tội phạm, các biểu hiện quan liêu, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, người thi hành công vụ.