Lá phiếu niềm tin...

(Baohatinh.vn) - Có một ngày hội vui chung của toàn quốc từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt trẻ già, trai gái, tất cả từ 18 tuổi trở lên có quyền công dân đều đi bỏ phiếu.

Trong bài thơ Lá phiếu hôm nay viết năm 1960 lúc bầu cử Quốc hội khóa II, nhà thơ Chính Hữu đã viết: "Mỗi cử tri là một người mơ mộng". Mơ mộng ở đây như là một khát vọng, niềm tin gửi gắm. Lá phiếu bầu cử đã hiện thực hóa, đã chở cả bao tâm tình nghĩ suy có cả sức nặng, sức tải của thời gian, của quá khứ và bắt đầu cho một tương lai...

la phieu niem tin

Cử tri thôn 7, xã Hương Lâm (Hương Khê) theo dõi danh sách, thông tin về các ứng cử viên.

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc ở Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được” (Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ). Trong ngày hội non sông này, quyền tự do, bình đẳng được tôn trọng và lá phiếu trong tay mỗi người là lá phiếu của niềm tin, niềm tin vào tương lai của đất nước, niềm tin vào một lớp người hiền tài được lựa chọn, niềm tin vào quyền quyết định sáng suốt của mình…

Nhớ lại cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới giành độc lập 4 tháng, Cách mạng tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho mọi công dân. Nhưng cuộc bầu cử diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị phức tạp. Ở Nam bộ và Nam Trung bộ, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở các cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Đã có những người làm công tác vận động bầu cử hy sinh.

Trong náo nức, tưng bừng của ngày trọng đại đó (6/1/1946), nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết ca khúc Ngày Quốc hội với nhịp điệu rộn ràng - rộn ràng từ lòng người: Đâu quốc dân Việt Nam mau - Cùng nhau cầm lá phiếu mau - Cùng nhau cùng đem phiếu ta đi bầu...  Trong lời phát biểu trước đó một ngày, Bác Hồ đã kêu gọi: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta. Vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử. Vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân được hưởng quyền dân chủ của mình”.

Khi Bác Hồ ra ứng cử ở Thủ đô Hà Nội, mọi người nói: “Đề nghị Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử này và suy tôn Cụ là Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam”. Bác gửi lời cảm tạ và nói: “Tôi là một công dân Việt Nam nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định”.

la phieu niem tin

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Tiến (thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn thường xuyên mở radio nghe tin tức về công tác bầu cử. (Ảnh: Hương Thành)

 Còn nhớ những ngày đó đất nước muôn vàn khó khăn, đối phó với thù trong, giặc ngoài, lại lo giặc đói, giặc dốt. Những lớp bình dân học vụ được mở ra khắp các bản làng, xóm thôn. Những người dân lần đầu tiên được học chữ, được đánh vần tên của những người mình lựa chọn bầu trên những lá phiếu còn thơm mùi mực mới. Và niềm tin về quyền làm chủ của con người, làm chủ đất nước cũng bắt đầu hình thành có điểm tựa vững chắc từ đó.

Mẹ tôi là người được đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa III (1964–1971). Nhớ lại những năm chống Mỹ ác liệt, ở quê tôi, hầu như tất cả mọi sinh hoạt đông người đều ở trong lòng đất. Đó là những mái lán xung quanh đắp lũy đất ken dày bằng những thân tre làng mà khi cắm xuống lại mọc những chồi non, những mắt lá non, nhen nhóm những hy vọng. Cái giao thông hào rồng rắn chạy về đây thấp thoáng ẩn hiện những chiếc mũ rơm vàng óng dưới những vườn lá rợp. Hòm phiếu được đặt trang trọng trên chiếc bàn cũng ken bằng tre.

Ngày bỏ phiếu là một ngày thiêng liêng, tưng bừng. Mặc máy bay gầm rú, mặc pháo hạm bắn vào rít qua đầu, mặc… những đứa trẻ chúng tôi chưa đến tuổi bầu cử nhưng cũng áo mới, khăn quàng đỏ dập dờn dưới hào giao thông đi cổ động. Có cả tiếng trống ếch, cả những băng cờ, khẩu hiệu. Những tiếng hô vang làm rạng rỡ thêm gương mặt của những người lớn tuổi được làm nghĩa vụ của một công dân…

la phieu niem tin

Đồng bào giáo - lương xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh) tưng bừng đón ngày hội lớn.

Tôi nhớ mẹ tôi sáng đã dậy sớm nấu một ấm nước chè xanh đặc sánh. Rồi bà gọi bà con lối xóm sang uống nước bàn chuyện trọng đại. Người lớn rì rầm với nhau chuyện gì tôi chẳng biết. Tôi thấy họ xúm quanh một bác thầy giáo hưu trí để hỏi thêm về người mình sắp bầu. Bác đó có một cái đài bán dẫn thật hiếm hoi luôn theo dõi tin tức trong nước và thế giới cập nhật hàng ngày.

Khi lên bỏ phiếu, tôi thấy mẹ tôi bỏm bẻm nhai trầu. Khuôn mặt phúc hậu của người thật đầy đặn, hồng hào. Mẹ lẩm nhẩm đọc tên. Có những tên nghe quen, những tên nghe mới lạ. Nhưng mẹ có niềm tin. Niềm tin từ các buổi rì rầm nhỏ to trao đổi bên những bát nước chè xanh nóng hổi. Cái bút ngọn lá tre chấm mực tím trong tay mẹ run run. Hình như trước lúc gạch một cái tên người nào đó mẹ lại đắn đo, lưỡng lự. Lòng mẹ sâu thẳm bao giờ cũng muốn một sự tròn đầy, trọn vẹn. Nhưng đây là sự lựa chọn như hạt thóc sàng sảy trên nia, trên sàng. Có hạt nặng, hạt nhẹ, có hạt căng, hạt lép. Ôi lòng mẹ thật bao dung. Cả đời mẹ chỉ những lần này là đi bầu, đi chọn. Và nói như mẹ tôi, sau “cách mạng” mới được cái quyền bình đẳng lớn lao, trách nhiệm này. Và tôi thấy mẹ tôi thong thả bước đến bên hòm phiếu. Hai tay mẹ nâng lá phiếu trên tay…

la phieu niem tin

Chỉnh trang cờ, băng rôn, khẩu hiệu tại khu vực bầu cử số 5 ở xóm 7, xã Hương Lâm, Hương Khê

Tôi nhớ Quốc hội khóa V được bầu ngày 6/4/1975, lúc đó, cha tôi đang ở chiến trường. Họ - người lính đội mũ tai bèo, chân đi dép lốp, chiếc ba lô con cóc hồi hộp trên lưng với những tăng, những võng chung chiêng giữa bạt ngàn cây rừng Trường Sơn. Tuy họ không trực tiếp bỏ phiếu nhưng chính họ là hiện thân những lá - phiếu - sống với một vẻ đẹp lý tưởng cao cả . Mỗi cuộc bầu cử Quốc hội là một cái mốc lịch sử đánh dấu một chặng đường phát triển của đất nước. Sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, chúng ta đã có một chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Quốc hội khóa IV (1971-1975) đã hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Sau khi bầu cử Quốc hội khóa V chưa đầy một tháng, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước thống nhất. Một năm sau, ngày 25/4/1976, nhân dân cả nước sôi nổi đi bầu Quốc hội chung của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cha tôi từ chiến trường trở về vẫn mặc trên mình bộ quân phục màu xanh hòa chung dòng người đi bỏ phiếu. Lá phiếu đổi bằng bao xương máu, có những đồng đội mãi mãi nằm lại chiến trường. Họ đang ở tuổi công dân, đang căng tràn sức sống, chưa một lần nắm tay người yêu, chưa một lần được bỏ lá phiếu làm quyền cử tri. Và cha tôi nói: hôm nay bỏ phiếu là bỏ cho cả những người đã mất. Lá phiếu phập phồng trên tay mà cứ ngỡ như có cả hơi ấm, hơi thở, sức sống của: Những buổi ngày xưa vọng nói về (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).

 
la phieu niem tin

Khu vực bỏ phiếu số 1 tại thôn Tân Phúc Thành 1, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) rực rỡ trước ngày bầu cử

Những ngày này ở trên đảo xa, những người lính trẻ lần đầu tiên được đi bỏ phiếu chắc cũng thao thức khó ngủ. Hòm phiếu được đặt trang trọng trên chiếc bàn phủ vải đỏ ở ngay cột mốc thiêng liêng: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với Quốc huy đất nước hình bông lúa và chiếc bánh xe. Chưa bao giờ Tổ quốc gần gũi thế. Tổ quốc ở Trường Sa. Tổ quốc ngay trong tên những người được vinh dự bầu chọn. Tổ quốc nặng tình trong từng lá phiếu. Trong ngày vui này, trái tim mỗi người như được đập chung với trái tim cả nước. Lá phiếu của mỗi người cũng giống như tất cả lá phiếu của cử tri cả nước. Có thể nói đó là ngày hội của cộng đồng: cộng đồng cả nước, từ lời ăn tiếng nói, từ phong tục tập quán. Và cộng hưởng: cộng hưởng từ quá khứ oanh liệt của bốn nghìn năm lịch sử, từ tiếng reo ca nông trường, xưởng máy đến những đồng lúa vàng tươi.

Đất nước 41 năm thống nhất, Nam Bắc liền một dải, dân trí được nâng cao. Nhà thơ Chính Hữu đã viết: Lá phiếu này ta bỏ cho ta. Quyền dân chủ được phát huy tối đa. Cuộc tìm kiếm người có tài, có đức được hội tụ, được lựa chọn, được quyết định qua sức nặng lá phiếu. Một tờ giấy mỏng và chứa đựng bao trữ lượng, bao tâm tình, bao khát vọng.

Hà Tĩnh, tháng 5/2016

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh chúc Tết Bộ Tư lệnh Quân khu 4

Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh chúc Tết Bộ Tư lệnh Quân khu 4

Chúc Tết Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng mong muốn Quân khu 4 tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh trong công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; an sinh xã hội.
Thị xã Hồng Lĩnh gặp mặt cán bộ cốt cán qua các thời kỳ

Thị xã Hồng Lĩnh gặp mặt cán bộ cốt cán qua các thời kỳ

Các cán bộ, lãnh đạo TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) qua các thời kỳ vui mừng trước những kết quả mà thị xã đã đạt được trong năm 2024, đồng thời đóng góp những ý kiến tâm huyết đối với việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương trong thời gian tới.
Lãnh đạo Hà Tĩnh dâng hương tại các địa chỉ đỏ nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng

Lãnh đạo Hà Tĩnh dâng hương tại các địa chỉ đỏ nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng

Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị tiền bối của Đảng và anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nguyện hứa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đưa Hà Tĩnh phát triển bền vững.
Thị xã Kỳ Anh - đô thị động lực và dáng vóc của thành phố trẻ

Thị xã Kỳ Anh - đô thị động lực và dáng vóc của thành phố trẻ

Từ dấu mốc quan trọng cách đây 10 năm, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hôm nay đang khoác lên mình màu áo mới với vóc dáng của một thành phố trẻ, năng động, văn minh và hiện đại, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của Hà Tĩnh và cả nước.
Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Chuyện “Dân vận khéo” ở Nghi Xuân

Chuyện “Dân vận khéo” ở Nghi Xuân

Thời gian qua, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã huy động sức mạnh trong dân bằng công tác “dân vận khéo”, mang lại hiệu quả thiết thực trong mọi mặt đời sống xã hội.
Thành Sen rộng mở

Thành Sen rộng mở

TP Hà Tĩnh đang chuyển động không ngừng để trở thành đô thị lớn, vươn lên là một trong những trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Trước thềm Xuân Ất Tỵ, thành phố đón thêm “thành viên”, mở ra không gian phát triển mới, khí thế mới để cùng đất nước vươn mình…
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.