Mùa hè năm 1981, sau khi nhận bằng tốt nghiệp cấp 3, Mẫn - cháu tôi nhập ngũ. Nó đứng lặng lẽ trong hàng quân. Chị và em gái rưng rưng nước mắt. Mẹ nó (chị dâu tôi) tiến lại gần, không hề động vào người nó, thản nhiên: “Đi bộ đội dừ sướng rồi, không còn bom đạn nữa, lại được ăn cơm rành, buồn chi!”. Khi Mẫn lên xe, chị tôi cũng chỉ: “Đi nha!”. Tính chị là vậy. Cứ như người vô cảm. Nhưng có gần mới biết, chị thương con vô hạn, thương tất cả mọi người. Dân làng ai cũng quý nể chị.
Mẫn đi rồi, chị cũng buồn hơn. Thỉnh thoảng, nó gửi thư về kể chuyện huấn luyện, chuyện đồng đội, đồng hương. Chị nói với 2 đứa con gái rằng: “Được một thằng con trai nhưng cho hắn vô bộ đội rèn luyện rồi về đi đại học cũng được. Người ta 3, 4 đứa hy sinh trong chiến tranh cả thì răng”.
Mấy tháng sau, thư Mẫn báo là nó đã sang Campuchia. Cũng từ đó không thấy thư Mẫn gửi về nữa. Chị trách nó chắc sang nước ngoài sướng rồi quên mẹ luôn. Nói vậy, nhưng chị lại tỏ ra vui hơn vì nghĩ con mình được ra nước ngoài.
Năm 1985, mấy người trong ban lãnh đạo xã, xóm đến nhà. Chốt vội cái chuồng bò, chị tôi tất tả chạy ra khoe: “Thằng Mẫn nhà tui được điều đi Campuchia rồi!”. Chị loay xoay kéo ghế, lấy nước. Không ai cho chị làm cả. Chị dỗi: “Mấy khi có lãnh đạo đến nhà mà không uống nước chè mới. Mà cái thằng Mẫn nhà tui sang bên sướng rồi có thèm gửi thư cho mẹ nữa mô...”. Ông Bí thư Đảng ủy xã Thạch Linh hồi đó (nay là phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh) rơm rớm nước mắt, rồi chậm rãi: “Nó có thư đây!”. Chị tôi giằng vội lá thư, chưa kịp bóc thì 2 cô con gái chạy ào vào ôm chị khóc nức nở.
Gần một tháng cố nuốt nước cháo, chị tôi gượng dậy, nhấc từng bước chân xiêu vẹo. Chị run run thắp nén hương lên bàn thờ Mẫn rồi thận trọng cầm phong thư lên. Phong thư chưa kịp ghi địa chỉ người gửi và người nhận, nhưng chị vẫn đọc. Bỗng mắt chị trố lên và một tiếng thét não lòng: “Mẫn ơi... răng không nói sớm!”.
Tôi tò mò cầm bức thư vái xin cháu rồi đọc. Tôi không nhớ hết câu chữ trong đó, nhưng nhớ rất rõ ý Mẫn là muốn thanh minh với mẹ, rằng lúc đầu nó muốn ra Hà Nội làm nghề bưu điện với cha. Nó cho rằng, chiến tranh đã kết thúc thì thanh niên làm gì cũng là phụng sự Tổ quốc. Nhưng sang Campuchia đánh nhau với bọn Pôn-pốt mới thấu hơn nỗi khổ của bộ đội và dân làng ta trong chiến tranh chống Mỹ. Nó còn khoe là đã được kết nạp Đảng sau trận đầu bắn chết mấy thằng Pôn-pốt và sẽ ở lại đi lùng Pôn-pốt chứ không theo đuổi ước mơ theo nghề của cha nữa. Và... cuối thư nó viết: “Ngày con về, mẹ nhớ ôm con thật chặt và nói năng thật tình cảm, chứ đừng cú nhát, khô khan như lâu nay nữa mẹ nhé!”.
Gần 8 năm trôi qua, kể từ ngày Mẫn được đội quy tập mộ liệt sỹ của Việt Nam đưa từ Campuchia về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài, năm nào chị tôi cũng chọn đúng ngày Mẫn nhập ngũ để vào nghĩa trang thăm con. Lần nào cũng vậy, cậu con rể cứ đứng ngoài cổng xót xa chờ mẹ hết khóc thành tiếng mới vào dìu mẹ về.
Và cũng mỗi lần như vậy, mười ngón tay chị tôi xây xước tím bầm vì bươi cào trên mộ con. Chị muốn kéo Mẫn từ dưới lòng đất lên để được ôm nó vào lòng, vỗ về và nói những lời thật ngọt ngào, âu yếm như nó đã từng khát khao.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu