Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương hệ thống thần kinh trung ương và các mô khác, đặc biệt khi nhiệt độ đạt mức 40 độ C hoặc cao hơn. Đây là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt, chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng cũng có thể tác động tới người trẻ khỏe.
Khi nhiệt độ trung tâm của cơ thể cao hơn 40 độ C, triệu chứng đặc trưng đầu tiên của sốc nhiệt là ngất xỉu do cơ thể không giải phóng tỏa nhiệt, khiến bệnh nhân kiệt sức. Một số biểu hiện khác gồm: đau nhói đầu, chóng mặt, choáng váng, không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng, da đỏ, nóng và khô, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và nôn, nhịp tim và mạch có thể đập mạnh hoặc yếu; thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng hoặc có trạng thái sửng sốt, co giật, hôn mê.
Sốc nhiệt dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống tại nơi không có điều hòa hoặc nhà không được thông khí tốt. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm: người lao động ngoài dưới nắng nóng với cường độ liên tục, trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi, người có bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì, thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu, bỏng nắng và bất cứ tình trạng nào gây sốt... đều dễ bị tổn thương do nhiệt.
Để hạ nhiệt, nên áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ cho bệnh nhân. Ảnh: Examiner
Bác sĩ Chính cho biết, nếu nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt, hãy gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay lập tức. Trong khi chờ đợi y tế, đưa nạn nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát, cởi bỏ các quần áo không cần thiết, sau đó sơ cứu bằng các phương pháp làm mát như: sử dụng quạt, làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước, áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng. Các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh có thể giảm được nhiệt độ cơ thể.
Để phòng sốc nhiệt, mỗi người cần trang bị đầy đủ các loại mũ nón rộng vành, khẩu trang, kính, quần áo và mũ bảo hộ lao động... Nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt; kết hợp với sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30.
Đặc biệt, cần phải uống đủ nước bởi khi nắng nóng, nước mất đi rất nhiều qua mồ hôi. Nếu không uống đủ nước cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, dễ gây sốc nhiệt. Lượng nước bổ sung ít nhất là khoảng 2-3 lít mỗi ngày, nên chọn nước lọc, trái cây hoặc nước ép rau xanh nguyên chất. Tránh chất lỏng có caffein hoặc cồn bởi vì hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng các rối loạn liên quan tới nhiệt.
Ngoài ra, sốc nhiệt có thể là hậu quả của mất muối, do vậy, cách an toàn nhất để bổ sung muối và các điện giải khác là dùng đồ uống thể thao và các loại nước trái cây.
Người dân hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h; không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Thường xuyên nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát sau khoảng một tiếng đồng hồ làm việc. Nếu có thể, thay đổi hoạt động ngoài trời sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày như vào buổi sáng sớm hay sau khi mặt trời lặn.
Các biện pháp dự phòng sốc nhiệt khác bao gồm theo dõi màu sắc nước tiểu. Theo bác sĩ Chính, nước tiểu sẫm màu hơn là một dấu hiệu mất nước. Nếu cơ thể bạn có vấn đề về tích nước hoặc mắc những bệnh lý cần hạn chế uống nước, khi tăng chế độ uống nước hàng ngày cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trường hợp không có quạt hoặc điều hòa, vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, nên tới nơi có điều hòa không khí như siêu thị, bưu điện, ngân hàng... hoặc những nơi râm mát. Tại nhà, cần đóng cửa rèm, che chắn cửa, hoặc hạ mành khi nắng nóng và mở cửa sổ vào ban đêm ở hai cạnh của ngôi nhà để tạo sự thông gió.