Bà Nguyễn Xuân Châu (áo trắng) cùng các tình nguyện viên tập luyện dưỡng sinh tâm thể cho các cụ cao tuổi.
Gặp bà Châu trong buổi tập dưỡng sinh vào một chiều tháng 8, chúng tôi bất ngờ khi thấy bà dù đã bước sang tuổi 60 nhưng dáng vẻ nhanh nhẹn cùng tiếng hô động tác tập một cách dõng dạc. Bà là 1 trong 3 tình nguyện viên thường xuyên đi nhiều nơi tập luyện dưỡng sinh tâm thể cho người cao tuổi trong và ngoài huyện Nghi Xuân.
Kể về cơ duyên đến với tập dưỡng sinh, bà Châu bộc bạch: “Năm 2017, trong một lần được tiếp xúc với bài tập dưỡng sinh tâm thể khi Viện nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể Việt Nam về công tác tại huyện Nghi Xuân, tôi đã cảm thấy hứng thú với bộ môn này. Sau đó, tôi cùng khoảng 12 người khác thành lập một nhóm tập tại TDP 1 - thị trấn Nghi Xuân (nay là TDP Giang Thủy - thị trấn Tiên Điền) bắt đầu tập luyện bài dưỡng sinh 20 động tác. Sau một thời gian tập luyện, tôi cũng như mọi người đều thấy vui, khỏe nên tôi liên hệ với Hội Người cao tuổi huyện và mong muốn được truyền dạy bộ môn này tới nhiều người cao tuổi hơn trên địa bàn”.
Nói là làm, Đội tình nguyện viên tập dưỡng sinh tâm thể huyện Nghi Xuân ra đời với 6 thành viên.
Bà Châu gác lại công việc gia đình tham gia tập luyện cho các CLB.
“Thời điểm đó đến nay, tôi và bà Nguyễn Xuân Hoa (chị gái bà Châu) và bà Nguyễn Thị Quang là nòng cốt cùng một số người khác đi tập luyện cho các hội viên người cao tuổi và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của mọi người. Với sự hỗ trợ, hỗ trợ tập luyện của chúng tôi, năm 2018, câu lạc bộ (CLB) dưỡng sinh tâm thể xã Xuân Lĩnh được thành lập với hơn 70 thành viên. Đây là CLB đầu tiên của huyện Nghi Xuân cũng như tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, lần lượt ở nhiều thôn, xã khác bắt đầu tập luyện và thành lập các CLB” - bà Châu nhớ lại.
Các tình nguyện viên huyện Nghi Xuân tập luyện dưỡng sinh tâm thể cho người cao tuổi xã Thạch Văn (Thạch Hà) vào tháng 7/2022.
Được biết, bà Châu là góa phụ, hiện sống cùng một người con. Hằng ngày, bà vẫn thường đảm nhận việc nấu ăn cho một cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện. Cứ tầm 3 - 4h sáng hay cuối giờ chiều, bà lại cùng mọi người lại di chuyển đến các điểm tập bằng xe máy, còn xa hơn thì di chuyển bằng phương tiện xe buýt.
Dù khá vất vả khi tuổi cao, việc đi lại cũng khó khăn nhưng với tình yêu, niềm đam mê bộ môn dưỡng sinh tâm thể, mọi người đều cảm thấy vui vẻ, đặc biệt là khi họ đã lan tỏa được bộ môn này tới những người cao tuổi khác trên địa bàn huyện và các địa phương khác.
Đến nay huyện Nghi Xuân thành lập 95 CLB dưỡng sinh tâm thể.
Bà Nguyễn Xuân Hoa - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nghi Xuân – thành viên đội tình nguyện viên dưỡng sinh tâm thể Nghi Xuân cho hay: “Không những tập luyện cho các địa phương trong huyện, mới đây, Đội còn vào tập luyện cho các cụ cao tuổi xã Thạch Văn (Thạch Hà). Để hiệu quả, chúng tôi còn tự bỏ kinh phí ra mua, thu âm hàng trăm USB các file ghi âm hỗ trợ các thôn, xóm tập luyện. Dù có nhiều khó khăn nhưng với chúng tôi, niềm đam mê, sự động viên của người thân là động lực lớn để chúng tôi vượt qua”.
Ông Cao Xuân Vị - Trưởng thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang (Nghi Xuân) cho biết: “Dưỡng sinh tâm thể đã mang lại cho người cao tuổi tinh thần thêm phấn khởi, sức khỏe dẻo dai, và hơn thế, còn gắn kết tinh thần đoàn kết của mỗi người. Nhờ sự giúp đỡ của bà Châu cũng như các tình nguyện viên khác, thôn đã thành lập được 1 CLB khoảng 50 người tham gia tập luyện hằng ngày”.
Dưỡng sinh tâm thể được người cao tuổi Nghi Xuân tập luyện thường xuyên, nâng cao sức khỏe.
Với sự nhiệt tình truyền dạy của đội tình nguyện viên, đến nay, phong trào tập dưỡng sinh tâm thể ở Nghi Xuân đã lan tỏa mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Nghi Xuân, hiện nay, Hội Người cao tuổi huyện Nghi Xuân có 429 loại hình CLB chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với hơn 6.400 người tham gia. Riêng phương pháp dưỡng sinh tâm thể có 95 CLB; 15 điểm tập của xã, thị trấn; 132 điểm tập thôn, tổ dân phố; 79 nhóm nhỏ tại hộ gia đình với khoảng 4.000 người tham gia. Phương pháp này đã góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người cao tuổi trên địa bàn. Để duy trì và phát triển được các mô hình thì có công lớn của những tình nguyện viên đã không quản khó khăn truyền dạy trong suốt thời gian qua.