Đang trong giai đoạn cùng cả nước chống dịch nhưng làng biển Xuân Yên vẫn duy trì các hoạt động đánh bắt, mua bán hải sản trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Tôi lắng lại trong những ồn ã. Và, trong phút giây chìm vào yên lặng ấy, tôi đã bắt gặp ánh mắt đầy ưu tư của một cụ bà. Bất giác, tôi cảm thấy, phía sau ánh mắt ấy, gương mặt ấy ẩn chứa câu chuyện nhiều lớp lang của một đời ngư dân nhọc nhằn, vất vả.
Bắt chuyện một lúc, bà cho biết, bà là Nguyễn Thị Nhung ở thôn Yên Lợi, năm nay đã 73 tuổi. Bà không nhớ mình gắn bó với nghề biển từ thuở nào. Chỉ nhớ, ngoài 10 tuổi đã theo mẹ đi “ngước biển”, đã quen với vị mặn mòi biển cả.
Khi tôi hỏi về làng biển Xuân Yên, mắt bà Nhung lấp lánh niềm tự hào. Bà nói, làng biển này đã có từ lâu lắm rồi. Thuở nhỏ, bà đã nghe ông bà kể chuyện tổ tiên đến lập nghiệp từ 300 năm trước. Mà lạ lắm, chừng ấy năm tuổi đời, tôi chưa thấy người làng tôi ngủ trưa bao giờ.
Bà Nguyễn Thị Nhung (thôn Yên Lợi, Xuân Yên, Nghi Xuân) gắn bó với biển từ khi còn nhỏ.
“Tôi sinh ra ở đây, lớn lên lấy chồng cũng làm nghề biển. Thuở ấy (50 năm trước), chúng tôi ra khơi bằng thuyền chèo, sau này cũng sắm được thuyền máy nhưng đi biển vất vả lắm, nhất là khâu gánh đẩy thuyền xuống nước ra khơi. Ngày xưa, để đưa thuyền xuống biển, ông nhà tôi cùng 10 bạn chài khác gánh đến còng lưng mới đẩy thuyền ra khơi được. Công việc đánh bắt khó khăn nên dù biển lắm cá, nghèo vẫn hoàn nghèo. Giờ nhìn thấy những cái xe kéo thuyền dễ dàng quá, không cần dùng sức người, cá tôm lại được nhiều, tôi vừa vui, vừa lại thấy thương ông nhà quá ” - bà Nhung bộc bạch.
Chồng bà Nhung bị bạo bệnh mất cách đây 5 năm. 7 người con (4 trai, 3 gái) của bà dù cùng bố mẹ “ăn sóng, nằm gió” lớn lên nhưng không ai theo nghiệp biển. Bà nói, thế hệ của bà và chồng bà, yêu biển bằng cách gắn bó đời mình với biển. Dẫu nghèo nhưng biển là một phần máu thịt, tâm hồn. Tuy nhiên, bà cũng không ép các con theo biển bằng cách của mình.
Với nhiều người lớn tuổi ở Xuân Yên, được hòa vào không khí náo nức ở bến cá mỗi ngày là niềm vui.
“Ông nhà tôi mất đã lâu, lẽ ra tôi cũng không còn theo nghề biển nữa nhưng ngày nào không nghe tiếng sóng, không ngửi thấy mùi tôm cá là lòng tôi không yên. Bây giờ, tôi ra biển không phải vì cơm áo nữa mà hơn hết là để được gần biển mỗi ngày. Đó cũng là cách tôi vợi bớt nỗi nhớ người chồng một đời ngược xuôi vất vả của mình” - bà Nhung tâm sự.
Bà Nhung còn kể cho tôi nghe về những đổi thay của những bến tàu Yên Ngư, Yên Hải, Yên Lợi… Ở đó, các ngư dân cũng đang hối hả nổ máy kéo thuyền vừa cập bến sau chuyến cá đầy. Tôi nhìn theo những chiếc máy kéo thuyền và nhớ lại câu chuyện về ngư dân đã sáng tạo nên chiếc máy đó cách đây 8 năm.
Nhờ xe máy kéo thuyền, việc ra khơi của ngư dân thuận tiện, không tốn sức người.
Khi tôi hỏi về tác giả của chiếc máy kéo thuyền ấy, rất nhiều ngư dân đã nhiệt tình xung phong dẫn tôi vào nhà ông Hoàng Kem ở thôn Yên Hải. Ông Kem năm nay đã 60 tuổi đời và 45 năm tuổi nghề.
Ông Kem cho biết: “Bản thân là một ngư dân nên tôi hiểu công việc vất vả nhất khi ra biển là đẩy và kéo thuyền. Vì vậy, tôi luôn trăn trở làm cách nào để việc này trở nên dễ dàng hơn. Ý tưởng về chiếc máy kéo thuyền đến với tôi vào một ban trưa không ngủ. Ấy là năm 2012, tôi bắt gặp trên ti vi thấy hình ảnh cái máy gặt lúa ở miền Nam có bánh xích như bánh xe tăng có thể di chuyển trên mọi địa hình. Tôi liền nghĩ tới việc dùng nó để phục vụ công việc kéo thuyền trên bãi cát. Tôi nhờ con ở TP Hồ Chí Minh mua cho một chiếc máy gặt cũ về để cải tạo. Qua thử nghiệm, máy chạy tốt, ngư dân ai cũng mừng”.
Không chỉ sáng tạo ra máy kéo thuyền, ông Hoàng Kem (Xuân Yên, Nghi Xuân) còn cho ra đời máy ben tời lưới bằng động cơ.
Ông Kem chính là niềm tự hào của người dân Xuân Yên. Từ sáng kiến của ông, nay cả xã đã có 20 chiếc máy kéo thuyền. Mỗi chuyến lên xuống biển, chủ thuyền chỉ phải trả cho chủ máy 40 ngàn đồng chi phí. So với những nỗi vất vả trước đây thì đó là cái giá quá rẻ.
Không chỉ sáng chế máy kéo thuyền, ông Kem cùng 2 người con ngư dân của mình đã sáng tạo ra máy ben tời lưới bằng động cơ. Nếu trước đây tời lưới thủ công chỉ 50 - 100m lưới là ngư dân đã thấm mệt, thì nay nhờ nó, mỗi thuyền có thể tời cả nghìn mét lưới dễ dàng.
Anh Nguyễn Văn Thú ở thôn Yên Hải phấn khởi kể: “Nhờ sáng kiến của ông Kem mà dăm bảy năm trở lại đây, công việc đánh bắt của ngư dân Xuân Yên chúng tôi đỡ vất vả bội phần. Trước, mỗi ngày chúng tôi chỉ có thể ra khơi 1 chuyến, giờ 2-3 chuyến, thậm chí 4 chuyến. Trước muốn đi là đi cả đội 5-6 thuyền để cùng hỗ trợ nhau gánh thuyền, giờ một người một thuyền cũng có thể ra khơi đánh bắt”.
Đền Cá Ông - di tích văn hóa cấp tỉnh ở thôn Yên Ngư là nơi kết nối tinh thần đoàn kết của ngư dân Xuân Yên.
Ra khơi thuận lợi đã tạo điều kiện cho ngư dân Xuân Yên bám biển khai thác nguồn hải sản dồi dào. Xã Xuân Yên hiện có gần 600 hộ ở 4/8 thôn làm nghề biển gồm: Yên Ngư, Yên Hải, Yên Lợi và Yên Liễu. Toàn xã có 235 tàu thuyền đăng ký hoạt động, trong đó, 5 tàu đánh bắt xa bờ với công suất trên 300 CV, còn lại các thuyền có công suất từ 9-30 CV đánh bắt gần bờ.
Năm 2019, sản lượng hải sản của Xuân Yên đạt 1.000 tấn. Cùng với nguồn thu từ một số cơ sở chế biến hải sản tại chỗ, tổng thu nhập nghề biển của xã đạt 66 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu nhập. Nhờ khai thác hải sản, nhiều hộ có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Cùng với công việc bám biển, ngư dân Xuân Yên còn gắn bó với nhau qua tập tục văn hóa thờ cá ông. Tương truyền, cách đây 300 năm, một con cá ông rất lớn đã dạt vào bãi biển Xuân Yên, cho rằng, đây là hiện thân của một vị thần biển, ngư dân ở đây đã an táng và xây lăng mộ để thờ phụng. Hằng năm, vào ngày 24 tháng Giêng âm lịch, ngư dân cùng nhau tổ chức lễ hội Cá ông. Trong ngày này, ngoài hoạt động lễ hội chung, các tổ liên gia, tổ bạn chài… cũng tổ chức liên hoan tổng kết công việc của cả năm.
Với tinh thần đoàn kết cùng nhau vươn khơi, hiện nay, tại 4 thôn ngư nghiệp có 13 tổ liên gia. Các tổ liên gia này cùng nhau xây dựng quỹ, đóng góp hằng tháng với số tiền hàng trăm triệu đồng để giúp nhau phát triển nghề đánh bắt. Họ cũng đoàn kết để ngăn chặn các hoạt động đánh bắt tận diệt của một số tàu dã cào ngoại tỉnh. Trong những đợt lực lượng chức năng bắt và xử lý tàu dã cào ngoại tỉnh trên biển Nghi Xuân gần đây, ngư dân Xuân Yên cũng có những đóng góp không nhỏ.
Ông Trần Anh Khoa - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hơn 5 năm nay, nghề biển ở Xuân Yên đã có nhiều thay đổi vượt bậc. Thu nhập khá từ nghề đánh bắt gần bờ đã mang đến cho ngư dân cuộc sống no ấm hơn. Có được điều đó là do ngư dân Xuân Yên luôn không ngừng sáng tạo thay đổi hình thức, thích ứng nhanh với công việc đánh bắt”.
Mặc dù đang trong giai đoạn cùng cả nước chống dịch nhưng làng biển Xuân Yên vẫn duy trì các hoạt động đánh bắt, mua bán hải sản trong điều kiện đảm bảo an toàn. Biển và người Xuân Yên vẫn lặng lẽ kể chuyện quê hương, vẫn âm thầm dựng xây những câu chuyện mới, làm giàu thêm những vỉa tầng văn hóa của làng chài ven chân sóng…